Tôi là một người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Thời gian vừa qua, theo dõi các bài viết về vấn đề hạn chế phương tiện xe máy tại Hà Nội, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung trong tương lai gần, tôi cũng muốn nêu vàn quan điểm của mình. Theo tôi, có một vài nguyên nhân khiến tình trạng giao thông ở các thành phố lớn trở nên báo động:
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia đang phát triển - thời kỳ bắt đầu bùng nổ kinh tế, lao động, sản xuất, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Chủ trương của chính phủ định hướng quy hoạch vùng kinh tế để cùng phát triển. Tuy nhiên, sự tương tác quy hoạch chưa thực sự rõ ràng. Nguồn nhân lực tại khu vực tỉnh thành phát triển hơn được chú trọng, nhưng lại thiếu nguồn nhân công lao động. Do đó, nguồn nhân công lao động từ địa phương phải di chuyển về nơi có công việc dồi dào hơn. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp tới hạ tầng giao thông, gây nên quá tải.
Thứ hai, quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ, phá vỡ hoạch về hạ tầng mạng lưới giao thông. Trên thực tế, nhìn nhận một cách khách quan thì TP HCM và thủ đô Hà Nội đang bị vỡ quy hoạch nhiều nhất và tầm nhìn rất yếu kém. Ví dụ như gần đây có rất nhiều thông tin nói về vấn đề đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị quá tải hay ùn tắc. Lý do là các phương tiện lưu thông quá đông trên tuyến đường này.
Vậy tại sao chúng ta không đặt câu hỏi ngược lại rằng tại sao lại cho xây dựng nhiều tòa nhà, chung cư cao tầng trên tuyến đường này như vậy? Xây cho đẹp để ngắm những tòa nhà cao tầng đua nhau sao? Vậy người dân ở đó đều đi bộ hay phương tiện công cộng đi làm à? Không. Họ làm tất cả các nghề, từ lao động phổ thông, công nhân viên, cán bộ... ở những nơi khác nhau, di chuyển theo các cung đường khác nhau và thời gian làm việc cũng khác nhau. Do đó, họ bắt buộc phải đi làm và phải di chuyển qua những tuyến đường đó mà không cố định tuyến và giờ.
Bởi vậy, phương tiện công cộng không thể đáp ứng được hết các nhu cầu đi lại. Đó là lý do người ta sẽ không lựa chọn phương tiện công cộng để di chuyển. Cuối cùng, xe máy, ôtô cá nhân mới là phương tiện di chuyển chủ yếu, khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tăng cao.
>> 'Cần thiết có làn đường riêng cho xe buýt'
Thứ ba, tình trạng chậm trễ và thiếu quyết đoán với quy hoạch khu văn phòng và các trường Đại học cũng góp phần khiến tắc đường thêm trầm trọng. Các trường Đại học cần sự chuyển dịch ra ngoài khu trung tâm thành phố. Cùng với đó xây dựng khu tổ hợp văn phòng, văn phòng cho thuê gắn liền với khu công nghiệp, để tối ưu phương tiện công cộng. Tiếc rằng mọi công việc trên vẫn đang được triển khai ì ạch.
Thứ tư, thành phố cần định hướng bóc tách theo khu vực, để tối ưu nguồn nhân lực, người dân ít phải di chuyển hoặc di chuyển trên đoạn đường ngắn hơn. Từ đó ít tác động tới hạ tầng giao thông. Hạn chế xây dựng khu đô thị ồ ạt và lớn cũng là việc làm cần thiết để tránh tác động cục bộ tới khu vực đó.
Thứ năm, từ góc nhìn của người lao động tự do nhìn nhận vấn đề ùn tắc giao thông, có thể thấy mỗi người có nhu cầu làm việc khác nhau và không cố định. Do vậy, phương tiện xe máy vẫn được xem là đáp ứng được nhu cầu sử dụng của họ. Nên giao thông công cộng cần từng bước thay thế được vai trò của xe máy, đảm bảo cho người dân thuận tiện, linh hoạt khi tham gia giao thông.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.