Ngày 2/1, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết khối u nhỏ 0,9x0,7x0,5 cm dưới niêm mạc trực tràng bệnh nhân, chỉ định cắt bỏ để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Bác sĩ dùng kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection - ESD) trực tràng lấy trọn khối u trong khoảng 30 phút, khối u được gửi đi làm xét nghiệm để xác định u lành hay ác tính. Người bệnh được xuất viện ngay trong ngày, chăm sóc sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Kết quả sinh thiết khối u lành tính, thuộc loại u thần kinh nội tiết độ một. Bác sĩ Tùng cho biết loại u này bắt nguồn từ tế bào chuyên biệt của hệ thần kinh nội tiết trên cơ thể. Vì một yếu tố nào đó, các tế bào thần kinh nội tiết thay đổi và không còn phát triển bình thường, tạo thành khối u. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng và thường phát hiện tình cờ qua nội soi kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ Tùng đánh giá cắt tách toàn bộ tổn thương là phương pháp tối ưu, xâm lấn tối thiểu, giúp điều trị các bệnh về niêm mạc đường tiêu hóa, tổn thương tiền và ung thư sớm ở dạ dày, đại trực tràng. Phương pháp được thực hiện hoàn toàn qua nội soi, giúp hạn chế biến chứng như thủng, chảy máu.
U dưới niêm mạc là tổn thương lồi vào trong lòng ống tiêu hóa (lớp lót trong ống tiêu hóa), có thể gặp ở bất cứ vị trí nào từ thực quản đến trực tràng. Loại u này chia làm nhiều loại như u biểu mô đệm, u cơ trơn, u mỡ, u tế bào hạt, u thần kinh nội tiết, u lympho. Phần lớn các khối u lành tính, chiếm 85%.
"U dưới niêm mạc đường tiêu hóa nếu được phát hiện sớm, điều trị đơn giản, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao", bác sĩ Tùng nói, thêm rằng tùy theo bản chất, kích thước, vị trí của khối u mà lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Thông thường, u dưới niêm mạc có kích thước dưới 2 cm có thể được cắt trong nội soi bằng phương pháp cắt tách dưới niêm mạc. U kích thước lớn, gây ra biến chứng, nguy cơ cao ung thư phải can thiệp bằng các phương pháp xâm lấn như nội soi cắt toàn bề dày thành ống tiêu hóa, cắt bỏ u qua nội soi đường hầm, kết hợp nội soi và phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở ổ bụng...
Trường hợp khối u ở lớp dưới niêm mạc không phát hiện kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng như tắc đường tiêu hóa do kích thước khối u lớn, cản trở lưu thông thức ăn trong dạ dày và tiêu hóa thức ăn. U dưới niêm còn có thể gây xuất huyết.
Trường hợp xấu nhất là u dưới niêm ác tính có nguy cơ ung thư dạ dày. Bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khó điều trị, không đạt hiệu quả cao.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người sống lành mạnh, chủ động nội soi dạ dày - đại tràng định kỳ để tầm soát bệnh đường tiêu hóa, ngăn ngừa ung thư và các biến chứng nguy hiểm.
Người trong nhóm nguy cơ cao như yếu tố di truyền, người thân mắc ung thư, béo phì, nhiễm vi khuẩn HP, từng phẫu thuật dạ dày, người sau 45 tuổi... cần tham khảo thời gian nội soi của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để tầm soát bệnh.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |