U dưới niêm mạc (lớp lót bên trong của ống tiêu hóa) có thể gặp bất kỳ vị trí nào từ thực quản đến trực tràng. Tuy nhiên, ông Khang từ chối phẫu thuật do sợ biến chứng, chỉ uống thuốc điều trị.
Đến đầu tháng 11, các triệu chứng nặng hơn, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi cho thấy u 0,8 cm ở thực quản trên và hai u liền kề kích thước 1,5 cm và 2,2 cm ở thực quản giữa.
Ngày 22/11, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết bệnh nhân có nhiều khối u thực quản, chỉ định cắt bỏ u bằng phương pháp tạo đường hầm dưới niêm mạc. Đây là kỹ thuật nội soi bằng ống soi mềm qua đường miệng, an toàn, hiệu quả cao, ít xâm lấn.
Bác sĩ rạch niêm mạc cách xa tổn thương, sau đó đưa ống nội soi vào bóc tách lớp dưới biểu mô tạo một đường hầm, tiến dần đến u và cắt bỏ u, cuối cùng là đóng đường cắt bằng clip (kẹp kim loại giúp cầm máu, vá vết cắt).
Ca phẫu thuật kéo dài gần hai giờ. Hậu phẫu bệnh nhân hồi phục tốt, không có vết mổ trên cơ thể. Triệu chứng mắc nghẹn, khàn giọng trước đây cải thiện rõ rệt. Ông Khang có thể đi lại và ăn uống, xuất viện sau ba ngày.
Bác sĩ Tùng cho biết đa số u dưới niêm mạc lành tính (chiếm 85%), khoảng 15% u dưới niêm là ác tính. U thường là u nhỏ hơn 2 cm và không có triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ khi nội soi tiêu hóa. Tuy nhiên, u dưới niêm cũng có thể loét gây xuất huyết, u lớn làm tắc nghẽn đường tiêu hóa, tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Tùy theo bản chất, kích thước của khối u, bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp. Theo bác sĩ Tùng, phương pháp phổ biến trước đây là mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên còn nhiều hạn chế, xâm lấn nhiều, vết thương lớn, lâu bình phục. Điều trị cắt bỏ qua nội soi ống mềm cải thiện được những hạn chế này.
U dưới niêm đường tiêu hóa xuất hiện do nhiều yếu tố nguy cơ như gene di truyền, tuổi tác, chế độ ăn uống hoặc lối sống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc, uống nhiều rượu bia, dùng thực phẩm chế biến sẵn, béo phì, ít vận động.
Để tránh mắc bệnh này, bác sĩ Tùng khuyên mọi người cần phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, thay đổi lối sống, ăn nhiều rau xanh, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, uống rượu. Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để nhận biết sớm các khối u bất thường trong cơ thể. Nhờ đó người bệnh được kịp thời điều trị, cơ hội chữa khỏi cao, phòng ngừa các rủi ro.
Thảo Nhi
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp. |