Bệnh về đường tiêu hóa rất phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư thế giới (Globocan), năm 2020, Việt Nam có hơn 33 nghìn người mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng, trong đó có hơn 22 nghìn người tử vong.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết ung thư gan, dạ dày, đại tràng đang gia tăng, phần lớn phát hiện ở giai đoạn muộn. Ung thư đường tiêu hóa có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, thường gặp nhất là người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện bệnh có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người dưới 50 tuổi mắc bệnh ngày càng gia tăng. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tiêu hóa, trong đó yếu tố lối sống rất quan trọng.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Người trẻ thường ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và dầu mỡ. Thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại hoặc bảo quản không đảm bảo vệ sinh có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến các bệnh tiêu hóa. Trong đó, ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, chế độ ăn ít rau quả, chất xơ được cho là nguyên nhân của 19% số ca ung thư đại tràng. Ước tính, ăn đủ và đa dạng rau quả có thể giảm 20% nguy cơ ung thư. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ăn ít nhất 400 g rau quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Ăn đồ ngọt (bánh kẹo, nước ngọt, trà sữa...) là sở thích của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều đồ ngọt làm tăng insulin trong máu, dễ gây tiểu đường, béo phì, tăng gánh nặng cho gan, khiến gan nhiễm mỡ. Người bệnh viêm gan nhiễm mỡ trong thời gian dài có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Ăn uống không điều độ
Nhiều người trẻ ăn uống không điều độ, bỏ bữa sáng thường xuyên gây tổn thương dạ dày. Vừa ăn vừa làm việc dễ dẫn đến nhai không kỹ, nuốt vội, tạo áp lực cho dạ dày. Thức ăn không được trộn đều với các enzym tiêu hóa, gây khó tiêu, cũng dễ dẫn đến các bệnh dạ dày, ruột.
Một số người trẻ có sở thích ăn các thức ăn khó tiêu, nhiều chất béo vào ban đêm như mì gói, snack... hoặc đồ chua. Chúng không chỉ hại gan mà còn làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng trào ngược axit tái diễn nhiều lần, về lâu dài có thể dẫn tới tổn thương thực quản, thậm chí ung thư.
Lạm dụng rượu bia và thuốc lá
Theo Tiến sĩ Khanh, lạm dụng rượu bia gây ra hàng loạt tổn thương tại gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Ethanol trong bia rượu khi nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, bào mòn niêm mạc dạ dày, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa. Ethanol kích thích giải phóng hormone gastrin, làm trầm trọng thêm các bệnh lý dạ dày ruột như viêm loét dạ dày - tá tràng, tăng triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Sử dụng rượu bia kèm các thực phẩm chứa nitrosamine như thịt muối, thịt xông khói, đồ chiên nướng có thể gây ung thư dạ dày, đại tràng. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và ung thư tụy.
Ít vận động
Ít vận động dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa như ung thư đại tràng. Nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới.
Tăng nhận thức về bệnh ung thư
Tiến sĩ Khanh nhận định, nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư ngày càng nâng cao. Người dân quan tâm khám sức khỏe hơn, trong đó có sàng lọc ung thư. Trước đây, ung thư dạ dày thường được phát hiện ở độ tuổi trên 60 thì hiện nay, người từ 40-45 tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát sớm ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao. Vì vậy, nhiều ca bệnh ung thư đường tiêu hóa mới được phát hiện.
Ung thư đường tiêu hóa thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng mơ hồ, không điển hình (đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi....) nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Tuy vậy, với công nghệ nội soi hiện đại, ung thư đường tiêu hóa có thể phát hiện, chữa khỏi nếu được điều trị ở giai đoạn sớm.
Trịnh Mai