Trả lời:
Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u (không phải khối u thực sự mà là cholesterol lắng đọng bám vào thành túi mật) phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật.
Bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, triệu chứng không đặc trưng, phần lớn phát hiện tình cờ khi siêu âm. Khi có rối loạn bài tiết dịch mật, sỏi túi mật hoặc viêm túi mật kèm theo, bệnh mới bộc lộ triệu chứng đau tức nhẹ hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị sau ăn, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn.
Hầu hết trường hợp polyp túi mật lành tính. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 4-7% người trưởng thành có thể bị polyp túi mật. Khoảng 60-90% trong số này là giả polyp. 5-10% trường hợp là polyp viêm. Chỉ khoảng 5% trường hợp có khả năng tiến triển thành ung thư.
Khối u ác tính có nguồn gốc từ loạn sản (các tế bào hoặc mô phát triển bất thường) và biểu mô phẳng, có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên túi mật, thường gặp ở người trên 50 tuổi.
Polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư trong các trường hợp kích thước lớn trên 10 mm, cấu trúc không có cuống, chân lan rộng, hình thành đơn lẻ. Polyp phát triển nhanh hơn 0,2 cm trong vòng một năm, kèm sỏi trong túi mật hoặc thành túi mật dày, xơ hóa cũng dễ tiến triển thành ung thư.
Một số loại giả polyp có thể tự biến mất, ngoại trừ polyp thực sự của túi mật. Các mô này có nguy cơ tăng lên về kích thước và số lượng theo thời gian. Với polyp kích thước nhỏ hơn 5 mm, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh siêu âm mỗi 6 tháng một lần trong hai năm. Sau hai năm, nếu polyp không thay đổi kích thước, người bệnh có thể dừng theo dõi.
Các trường hợp nên phẫu thuật cắt túi mật để ngăn ngừa nguy cơ ung thư bao gồm polyp kích thước từ 10 mm trở lên hoặc 6-9 mm nhưng có kèm theo các tố nguy cơ như người châu Á trên 60 tuổi, tiền sử viêm đường mật xơ cứng nguyên phát hoặc sỏi mật; polyp không có cuống, thành túi mật dày trên 4 mm; polyp bộc lộ triệu chứng sốt, đau bụng thường xuyên.
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật có nhiều ưu điểm so với mổ mở truyền thống như ít xâm lấn, ít đau, vết mổ nhỏ, thẩm mỹ. Người bệnh có thể được rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục, giảm nhiều nguy cơ biến chứng sau mổ.
Hậu phẫu, một số người bệnh có thể chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu khoảng ba tháng đầu. Sau đó, hệ thống tiêu hóa có thể tiếp tục hoạt động mà không cần túi mật. Gan tiết ra dịch mật, đẩy trực tiếp vào ruột non để tiêu hóa thức ăn theo đúng nhịp sinh học.
Thông tin bạn chia sẻ chưa đủ cơ sở để khẳng định polyp có nguy cơ tiến triển ung thư hay không. Bạn nên đi khám định kỳ để được theo dõi sự phát triển của polyp. Nên có lối sống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và giàu chất đạm, tăng cường chất xơ trong rau củ quả tươi. Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, kiểm soát cân nặng và các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường... giúp kiểm soát bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |