Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, miền Bắc đang bước vào đợt nồm ẩm thứ hai trong năm, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 ngày. Trong thời tiết này, người mắc các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp, gout, loãng xương... thường cảm thấy đau nhức nhiều hơn.
Nguyên nhân là thời tiết chuyển lạnh và không khí trở nên ẩm ướt hơn sẽ làm cho dịch khớp trở nên cô đặc hơn, độ kết dính niêm dịch của khớp tăng lên gây cứng khớp. Trong khi đó, các gân cơ cũng co rút lại để giữ nhiệt. Những điều này đã dẫn đến tình trạng khớp và các nhóm cơ trở nên khó vận động, gây đau nhức nhiều hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Để giảm bớt đau nhức xương khớp trong những ngày nồm ẩm, ThS. BS Trần Thị Hoài Thanh, khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội lưu ý người bệnh nên:
Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc, uống thuốc ngắt quãng và cần thăm khám định kỳ. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, có các triệu chứng bất thường, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp. Không tự ý dùng thuốc giảm đau vì có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, loét dạ dày, các vấn đề gan, thận hoặc tương tác với thuốc kiểm soát bệnh khớp gây tăng tác dụng phụ.
Xoa bóp, massage nhẹ nhàng hoặc chườm ấm xung quanh vị trí đau giúp làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến nuôi các khớp, từ đó giảm đau nhức hiệu quả. Ngoài ra, cần lưu ý không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp vì sẽ làm cho tình trạng sưng viêm tồi tệ hơn.
Vận động nhẹ nhàng: Khi thời tiết vào những ngày nồm ẩm, vì sợ khởi phát các cơn đau nhức nên nhiều người có xu hướng hạn chế vận động. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Thực tế, khi đau nhức, người bệnh càng nên vận động thường xuyên hơn nhưng ở cường độ nhẹ nhàng.
Điều này giúp khí huyết lưu thông, tạo điều kiện cho mô sụn hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp. Từ đó giúp khớp chuyển động linh hoạt hơn, giảm viêm đau hiệu quả. Người bệnh nên vận động khoảng 30 phút - một giờ mỗi ngày với các môn thể thao đơn giản như bơi lội, đạp xe, cầu lông, tập thái cực quyền, yoga...
Dinh dưỡng đủ chất: Dinh dưỡng là nền tảng quan trọng để ngăn ngừa đau khớp. Vì vậy, trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ protein, canxi, vitamin C, vitamin D và các loại khoáng chất khác. Người mắc bệnh về khớp nên giảm bớt các thực phẩm như thịt đỏ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, đồ ăn quá chua hoặc mặn, chất kích thích... Ngoài ra, theo bác sĩ Hoài Thanh, thời tiết lạnh và ẩm thấp trong những ngày nồm thường làm cho người bệnh quên uống nước. Điều này gây suy giảm hệ miễn dịch, tăng quá trình viêm, khiến sụn khớp dễ tổn thương, dẫn đến đau nhức nhiều hơn. Do đó, người bệnh cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ưu tiên nước ấm.
Giữ ấm cơ thể, cổ, ngực, tay, chân, đặc biệt là các khớp dễ bị thoái hóa như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay... bằng cách mặc quần áo nhiều lớp, đeo găng tay và tắm nước ấm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng máy điều hòa và máy hút ẩm để giữ cho không gian sống ở nhiệt độ vừa phải, nhà cửa khô ráo và cân bằng độ ẩm trong không khí. Người bệnh cần tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa phùn...
Phi Hồng