Một trong những hiểu lầm phổ biến là chạy bộ có thể làm gia tăng các tổn thương đầu gối. Nhưng theo các chuyên gia, tập thể dục, chạy bộ thường xuyên có thể giúp đầu gối trở nên đàn hồi, cải thiện sức khỏe sụn khớp.
Thoái hóa khớp là một dạng viêm khớp phổ biến, diễn tả tình trạng tổn thương tại các sụn khớp (vùng tiếp nối giữa hai xương), làm ảnh hưởng đến các vận động sinh lý cũng như những sinh hoạt thường ngày của người bệnh, thậm chí gây ra những cơn đau đớn nặng nề và để lại thương tật vĩnh viễn. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở tay, hông, cột sống và đầu gối.
Người mắc thoái hóa khớp gối sẽ cảm thấy đau, căng cứng và cảm giác nặng nề khi di chuyển. Sụn quanh đầu gối nơi các xương tiếp giáp sẽ mỏng hơn và thô hơn.
Chạy bộ không gây thoái hóa khớp gối. Nguyên nhân của tình trạng này có thể bao gồm tuổi tác, thừa cân, từng chấn thương hoặc tổn thương đầu gối, tiền sử có người trong gia đình bị thoái hoá khớp gối.
Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa chạy bộ và đau đầu gối được công bố năm 2017 cho thấy, không có số liệu nào cho thấy người chạy bộ bị đau đầu gối nhiều hơn những người không chạy. Đặc biệt, với những người bị thoái hóa khớp, chạy bộ không tác động xấu đến đầu gối. Theo các chuyên gia, so với đi bộ, khi chạy, thời gian tiếp xúc với mặt đất tương đối ngắn, chiều dài sải chân tương đối dài, có tác dụng giảm tải trọng lên khớp.
Ngoài ra, theo các chuyên gia vật lý trị liệu, việc giữ cơ thể luôn vận động và khỏe mạnh có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe xương khớp. Nếu cơ bắp đủ khoẻ, chúng sẽ chịu lực khi chạy, còn nếu cơ bắp không đủ khoẻ, các khớp sẽ gánh chịu lực. Tình trạng đau có thể xảy ra khi khớp chưa đủ khoẻ để đáp ứng với nhu cầu vận động của người chạy.
Chạy có thể là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các triệu chứng thoái hoá khớp gối. Môn thể thao này giúp giảm trọng lượng cơ thể, từ đó giảm áp lực lên các khớp. Nếu cảm thấy đau, bạn cần tránh chạy quá nhanh, hoặc quá sức.
Nếu khớp của bạn hơi mòn, việc chạy quá sức sẽ không tốt, vì vậy nên giữ nhịp vận động trong giới hạn thể lực của cơ thể. Về lâu dài, thoái hoá khớp có thể kiểm soát thông qua thay đổi lối sống. Các chuyên gia khuyến khích người bệnh tập thể dục để giảm cân, cải thiện tư thế, giảm căng thẳng. Chọn giày chạy phù hợp và sải bước trên các bề mặt mềm như mặt cỏ để giảm bớt sự khó chịu.
Trong giai đoạn các cơn viêm cấp gây đau và sưng tấy, người chạy vẫn nên duy trì vận động, có thể sử dụng máy kích thích cơ, thử sử dụng thuỷ liệu pháp (tập thể dục trong nước) để giảm cân thừa hoặc duy trì cân nặng lành mạnh đồng thời tăng cường chức năng cơ bắp.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khoẻ, người bị thoái hoá khớp gối có thể xin tư vấn từ các chuyên gia vật lý trị liệu để biết giới hạn vận động của bản thân. Nếu các cơn đau xuất hiện nhiều, bệnh nhân cần giảm thời gian chạy và tăng cường tập luyện để cơ khớp khoẻ hơn.
Thùy Minh (Theo Runner's World)