Nội tiết tố estrogen là thành phần quan trọng giúp điều hòa lượng chất lỏng trong cơ thể. Do đó, việc thiếu hụt estrogen trong thời kỳ mãn kinh sẽ làm cho cơ thể người phụ nữ kém giữ nước. Điều này làm suy giảm đáng kể dịch bôi trơn các mô khớp, làm tăng nguy cơ thoái hóa sụn và viêm khớp. Đồng thời, việc mất nước còn là nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, dẫn đến tăng nguy cơ hình thành gout và làm cho phụ nữ mãn kinh bị đau khớp thường xuyên hơn. Sự suy giảm estrogen trong quá trình mãn kinh cũng ảnh hưởng đến các mô mềm quanh khớp như dây chằng, gân, màng hoạt dịch, bao khớp..., làm suy giảm tổng thể sức mạnh của hệ cơ xương khớp.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, viêm khớp tuổi mãn kinh là một tình trạng mạn tính, chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện nay, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát và làm chậm quá trình phát triển bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp các phương pháp điều trị với nhau. Các biện pháp điều trị chủ yếu được chia thành 2 nhóm như sau:
Điều trị dùng thuốc
Đây là phương pháp chính giúp kiểm soát các cơn đau do bệnh xương khớp gây ra. Thuốc giảm đau và kháng viêm là hai trong số nhiều loại thuốc thường được sử dụng. Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp..., trong khi nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn các loại thuốc thích hợp.
Điều trị không dùng thuốc
Bên cạnh việc dùng thuốc, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có thể kiểm soát các vấn đề về khớp bằng cách thực hiện vật lý trị liệu, chườm nóng, chườm lạnh, châm cứu, kích thích thần kinh bằng xung điện qua da... Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, dồi dào vitamin D và canxi.
Ngoài ra, vì estrogen cũng góp phần điều hòa quá trình chuyển hóa glucose và lipid trong cơ thể, nên khi nồng độ estrogen suy giảm, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh dễ tăng cân. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng áp lực lên các khớp, nhất là khớp ở thắt lưng, hông và đầu gối, làm cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Vì vậy, để giảm đau khớp do mãn kinh, người bệnh cần thường xuyên vận động vừa sức. Các hoạt động thể chất có tác dụng tăng cường sức mạnh hệ cơ xương khớp, duy trì cân nặng lành mạnh, từ đó giảm áp lực lên khớp, giúp giảm đau hiệu quả. Các môn thể thao thích hợp cho phụ nữ mãn kinh như bơi lội, yoga và đạp xe...
Bác sĩ Thúy Vân cho biết thêm, trong trường hợp các phương pháp điều trị kể trên không đạt hiệu quả như mong đợi, người bệnh có thể được chỉ định tiêm cortisone để giảm đau. Thậm chí, phẫu thuật thay khớp có thể được đề xuất nếu cơn đau nghiêm trọng, tổn thương khớp nặng nề.
Dù thường gặp nhưng đau nhức xương khớp ở tuổi mãn kinh là một tình trạng không thể xem thường. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh không chỉ làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh, nguy cơ phát triển thành tàn tật mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, làm người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong điều trị cũng như thăm khám định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường.
Phi Hồng