Tháng ba vừa rồi, tôi có dịp đi du lịch Thái Lan. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến đất nước nổi tiếng về du lịch này. Thực ra, trước đây, tôi đã đến rất nhiều quốc gia ở xa hơn trên bản đồ thế giới. Lý do mà tôi chưa tới Thái Lan trước giờ cũng một phần là vì những ấn tượng không tốt về hình ảnh Bangkok cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, Thái Lan cũng không hề có bóng du khách nào mang danh nghĩa du lịch thuần túy cả.
Vậy tại sao từ một xuất phát điểm như thế mà họ vươn mình trở thành điểm đến được du khách ưa thích nhất khu vực như bây giờ? Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chỉ ra một cách ngắn gọn, khách quan nhất những vấn đề chính của du lịch Việt từ những gì tôi được mắt thấy tai nghe trong những ngày ở Thái Lan.
Nhiều người hỏi tôi rằng, có phải Thái Lan nổi lên trên bản đồ du lịch thế giới nhờ những show diễn người lớn được tổ chức công khai hay không? Đúng là những show diễn nhạy cảm thế này đã có ở Thái Lan từ hàng thập kỷ trước - khi mà các đề tài về tình dục vẫn còn rất ngại ngùng ở hầu hết các nước châu Á, trong đó có cả Việt Nam.
Dĩ nhiên, hầu hết các du khách khi đến Thái Lan đều không muốn bỏ qua cơ hội trải nghiệm các show này. Việc ai cũng có thể vào xem một cách dễ dàng và công khai như ở đây cũng là điều mà khó có quốc gia nào trên thế giới có được, đem lại cho du lịch xứ chùa Vàng một nguồn thu khổng lồ, kéo dài cho tới tận ngày nay.
Tuy nhiên, trong thời đại internet tràn ngập, người dân tại nhiều quốc gia cũng cởi mở hơn về vấn đề tình dục, giới tính, các show diễn người lớn của Thái Lan gần như không còn giữ được sự hấp dẫn, gây tò mò, hiếu kỳ nhiều nữa, chủ yếu chỉ là hình thức phụ kiện rườm rà. Nếu sang Mỹ hay các nước châu Âu, những show diễn thế này mang một giá trị nghệ thuật tinh tế và gợi sự hoa mỹ chứ không chỉ là màu sắc trần tục. Vì vậy, tôi cho rằng, những show người lớn như ở Thái Lan không phải là mấu chốt giúp họ thu hút được lượng lớn khách du lịch trong một thời gian dài.
>> Khi khách Tây đến Thái Lan 8 lần, TP HCM một lần
Đầu tiên là ở thái độ của người làm du lịch. Tính cách của người Thái nhìn chung là vui vẻ, niềm nở, hiếu khách, lịch sự. Ở họ có một quan điểm thú vị là xem mọi thứ trên đời có đến có đi, không cưỡng cầu. Điều đó khiến mọi du khách đến đây cũng cảm nhận được sự phóng khoáng trong văn hóa bản địa, nên dễ thích nghi và có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Về ẩm thực, tôi phải thừa nhận rằng, đồ ăn của Thái Lan có sự phối hợp tương đối khoa học, hài hòa giữa nguyên liệu và hương vị. Nhiều món ăn của họ khá lạ lẫm với du khách nước ngoài, nhưng nhìn chung đều dễ ăn, dễ nhớ. Có thể kể ra đấy một số món ăn đặc trưng của Thái Lan như món súp TomYum có vị chua cay rất ấn tượng, hay món xôi xoài ngon một cách đặc biệt dù rất đơn giản...
Người Thái cũng khiến tôi phải chú ý vì tính rất trung thực trong chuyện tiền bạc. Bạn có thể cầm cả xấp tiền đi mua sắm, dù bản thân chưa định hình phải lấy tờ nào, chỉ cần đưa ra cho người bán, họ sẽ giúp bạn lấy đúng số tiền cần trả, hoặc thối lại cho bạn không thiếu đồng nào.
Thái độ bán hàng của người Thái cũng vô cùng niềm nở, hiếu khách. Bạn vào xem hàng, hỏi giá đủ thứ nhưng không mua, người bán cũng vẫn nợ nụ cười, lịch sự nói cảm ơn và hẹn bạn quay lại. Chính những thứ rất nhỏ như vậy nhưng lại gây một ấn tượng cực kỳ to lớn cho khách du lịch.
>> 'Không thể bắt du khách mua vé để bảo tồn Hội An'
Tôi đi taxi ở Thái Lan cũng rất ấn tượng với tài xế của họ. Người lái taxi có thể tỏ ra rất nôn nóng, khó chịu khi thấy đường phố ùn tắc, làm mất thời gian di chuyển, nhưng họ lại rất lịch sự, sẵn lòng chờ bạn đi đổi tiền để trả khi về đến khách sạn. Những hành động đó chắc chắn sẽ chinh phục mọi du khách khó tính nhất.
Về cảnh sắc, tôi phải khẳng định rằng ở Việt Nam vẫn đa dạng hơn Thái Lan rất nhiều. Nhưng về chất lượng dịch vụ thì chúng ta thua thiệt hơn nhiều phần. Người Thái có kỹ thuật tạo cảnh quan rất hấp dẫn, họ còn trang bị cả cano trắng sang trọng tràn ngập trên bãi biển để bạn thuê tự lái rất dễ dàng (hoặc có người hướng dẫn), mọi dịch vụ đều rất sẵn và tiện lợi, đơn giản. Trong khi đó, du lịch Việt dường như vẫn quá hiền. Chúng ta chưa nghiên cứu, đầu tư vào các hoạt động giải trí cảm giác mạnh (trong khuôn khổ an toàn). Thế nên du khách khi tới Việt Nam cũng ít có các dịch vụ để sử dụng.
Tóm lại, chúng ta cần thay đổi tư duy làm du lịch, phải xuất phát từ nền kinh tế phát triển thì mới có sức cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Còn không thì du lịch Việt sẽ mãi dậm chân tại chỗ như bao năm qua, không có gì mới lạ, chỉ lặp đi lặp lại theo lối mòn. Như vậy, du lịch nước nhà sẽ chỉ mãi ngang, chẳng có tiến hoặc lùi. Khi chúng ta cứ không làm gì thì chỉ có đi lùi theo cấp số nhân. Tất cả cần phải được hoạch định một đúng đắn, định hướng chính xác mới mong thay đổi được bộ mặt của du lịch Việt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.