Một trong những vấn đề lớn nhất, tạo ấn tượng không tốt khi du lịch tới Việt Nam chính là câu chuyện rác thải. Theo thống kê, chúng ta đứng thứ tư trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Thế nên, dù được tạo hóa ưu ái cho những bờ biển đẹp, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Việt Nam vẫn không thể khiến du khách nước ngoài muốn quay lại khi nhìn đâu cũng thấy rác.
Nói về chuyện xả rác ở nước ta, bản thân tôi có hai trải nghiệm không mấy vui vẻ khi nhắc nhờ người dân ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Lần đầu tiên là khi tôi đi bộ trên đường. Từ xa, tôi đã thấy có một người đàn ông lớn tuổi dắt chó đi dạo. Tôi không khó để nhận ra con vật có dấu hiệu sắp phóng uế ra đường. Trong khi đó, người đàn ông không hề mang theo giấy hay túi theo người để dọn phân chó. Tôi vội chạy lại gần và nhẹ nhàng nhắc: "Chú không mang theo cái túi bóng để hốt phân chó ạ?".
Thấy vậy, người đàn ông trừng mắt, mắng chửi tôi xối xả. Bất ngờ trước thái độ gay gắt đó, tôi vội vàng rời đi. Thế nhưng, ông ta còn lên xe đuổi theo, liên tục đe dọa tôi bằng ngôn từ rất khó nghe. Lúc ấy, tôi chỉ biết đứng chết lặng vì quá sợ hãi.
Lần thứ hai, tôi tình cờ thấy có một ôtô đậu lại bên đường. Cánh cửa xe hạ xuống, và bên trong, một đứa bé thò tay ra vứt thẳng hộp sữa vừa uống xong xuống đường. Thấy vậy, tôi không nói gì, âm thầm chạy lại, nhặt hộp sữa dưới đường và để lại lên nóc ôtô, hy vọng cha mẹ của đứa bé sẽ hiểu và dạy lại con. Thế nhưng, một lần nữa tôi khiến người ta nổi giận. Người đàn ông ngồi ghế lái bật tung cửa, cầm hộp sữa và ném thẳng về phía tôi. Rồi ông ta bắt đầu chửi, dọa đánh. Chị vợ cũng cùng lúc xuống xe và mắng chửi tôi không tiếc lời.
Sau hai sự việc đó, tôi bắt đầu thấy sợ, không dám lo chuyện bao đồng, nhắc nhở người khác giữ vệ sinh môi trường nữa. Đáng lẽ, nếu làm ngơ như không thấy hoặc tự nhặt lên và đi kiếm thùng rác mà vứt thì có khi tôi đã không bị người ta mắng chửi thậm tệ, không khéo còn bị đánh như vậy. Phải chăng tôi mới là người sai khi "mới tí tuổi đầu mà đi dạy đời người khác"?
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đa số khách du lịch tới Việt Nam không có ý định quay trở lại, đó là thực tế đáng buồn. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), 2019 được xem là năm hoàng kim của du lịch Việt Nam nhưng tỷ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam chỉ khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%. Năm 2022, chúng ta chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đặt ra thách thức lớn cho ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.
Năm 2020, tôi có dịp đi du lịch Phuket (Thái Lan). Trên đường di chuyển bằng taxi ghép từ khách sạn đến thị trấn, tôi đi cùng một cặp vợ chồng người Canada. Hỏi chuyện qua lại một lúc, họ hào hứng kể đây là lần thứ tám đến Thái Lan, trong đó có năm lần ghé Phuket. Tôi thực sự ngạc nhiên vì điều đó. Rồi tôi quay qua hỏi họ đã đến Việt Nam chưa? Họ nói có đến TP HCM một lần rồi. Nghe đến đây, tôi không hỏi thêm gì nữa, vì cũng ngầm hiểu ra vấn đề.
Rõ ràng, Việt Nam có nhiều thứ hấp dẫn du khách quốc tế đến khám phá, nhưng đó chỉ là lần đầu tiên. Còn để níu chân, khiến họ muốn quay lại lần hai, lần ba, thậm chí lần tám như câu chuyện của đôi vợ chồng kia lại là một bài toàn không dễ gì tìm được lời giải.
Jacey Tran
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.