Nói về du lịch Việt, tôi cho rằng chúng ta đang phục vụ chủ yếu cho khách trong nước. Trong khi đó, nhu cầu, thói quen, phong cách du lịch của người nước và trong nước khác nhau.
Tôi lấy ví dụ, Singapore có gì nổi tiếng để hút khách nước ngoài? Họ không có thiên nhiên kỳ vĩ, vậy mà lượng khách quốc tế của họ vẫn cao. Thái Lan cũng là một trường hợp tương tự. Họ hút khách vì có các yếu tố riêng biệt, cái mà nơi khác không có, và quan trọng nhất là họ đáp ứng đúng nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của du khách quốc tế.
Thực ra, Việt Nam có đủ các yếu tố cần thiết để phát triển du lịch (cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, ẩm thực...) thế nhưng vấn đề là chúng ta làm theo kiểu manh mún, thiếu đồng bộ, nên cuối cùng vẫn không đáp ứng được cho nhu cầu của du khách nước ngoài.
Hiện nay, nhiều điểm du lịch chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho du khách nội địa, theo dạng đi để xả stress, "giết" thời gian, vì điểm đến "lạ" hơn so với nơi mình đang ở, hay tranh thủ ăn uống đổi món và mua sắm một ít đặc sản, check-in xong rồi về chứ muốn ở lâu cũng chẳng còn cái gì chơi. Như tôi đi biển, sáng ra bãi tắm, trưa lại ra biển tắm, chiều cũng lại đi tắm biển, đến bữa thì kéo nhau đi ăn hải sản... theo kiểu tạm gọi là nghỉ dưỡng.
Nhìn sang Thái Lan, thực tế họ cũng chỉ đa phần như ta, nhưng cái hơn của họ là biết gom tour lại, gom chung du khách vào một vùng nhỏ và tập trung làm dịch vụ thật tốt ở đó. Xong xuôi ở đó, họ mới quay sang phát triển tới chỗ khác. Ví dụ như trong một khu mà họ có cả hoạt động đi thuyền, trung tâm thương mại, chợ nổi, chợ vỉa hè, phố ẩm thực, đền chùa... Thế nên, khách du lịch có rất nhiều hoạt động để giải trí tùy theo sở thích cá nhân. Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng ta làm lúc chỗ này một ít, lúc chỗ kia một ít, rất manh mún, tự phát, nên khách du lịch phải di chuyển rất nhiều mới có đủ trải nghiệm.
>> 'Sa Pa, Đà Lạt lạc lối vì đánh đổi hoang sơ'
Một vấn đề của du lịch chính là do quy hoạch và tầm nhìn ngắn hạn. Nhiều nơi làm du lịch theo kiểu chộp giật, vì người ta sợ không ăn xổi mà chờ đợi quy hoạch tổng thể thì chẳng biết tới lúc đó có còn hút khách hay không. Dần dà, người làm du lịch chỉ muốn đầu tư ít, thu lợi nhuận nhanh nhất có thể, làm một thời gian rồi bỏ, tìm cái mới để câu khách. Điều đó khiến du lịch nước ta đánh mất bản sắc.
Chúng ta hay có xu hướng xem thường khách du lịch theo kiểu "Tây ba lô", nghĩ rằng đối tượng này chỉ thích mấy chỗ hoang sơ, ít chịu chi tiền sử dụng dịch vụ, nên cứ đua xây resort để câu kéo khách hạng sang. Đúng là họ chi tiêu tiết kiệm thật, nhưng vẫn là con số đáng kể. Chưa kể chi phí đi lại như máy bay, thuê xe gắn máy, xe khách, ăn ở của họ tính ra cũng không hề nhỏ.
Cứ nhìn Sa Pa bây giờ, chẳng thiếu resort nghỉ dưỡng cao cấp. Thế nhưng thử hỏi mấy ai lên đó rồi tối ngày trùm mền đi lại trong khu resort ấy? Kiểu đó đi xa làm gì cho mệt, thà loanh quanh Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn cũng chẳng khác gì. Còn nói du khách vừa thích hoang sơ vừa thích đòi hiện đại, tôi cho rằng chẳng có gì sai hay quá đáng. Sai ở đây là chúng ta không hiểu khách thích hoang sơ ở chỗ này, để rồi lại đi phá thiên nhiên để làm cho hiện đại. Ngược lại, những chỗ khách thích hiện đại để ở, có vệ sinh tiện nghi, thì chúng ta lại đem về hoang sơ, hoang dại nhân tạo.
Người ta muốn ngắm cảnh và trải nghiệm cái không khí, cảnh quan hoang sơ, nhưng không phải vì thế mà đường sá, đèn đóm, nhà vệ sinh, xe cộ muốn chất lượng kém thế nào cũng được. Trong mới phải có cũ, trong cũ phải có mới, cái cũ là trọng tâm lôi kéo và quyến rũ du khách, còn cái mới là để giúp họ có những trải nghiệm thoải mái nhất. Và để làm được vậy, rất cần phải có quy hoạch, phát triển bền vững, chứ không thể ăn xổi ở thì.
Ngẫm và nhìn xem các nước hàng xóm của chúng ta như Trung Quốc có Bắc Kinh, Campuchia có Angkor Wat, họ đâu vì khách thích hiện đại mà phá hết đi để xây nhà cao tầng. Vậy mà thiên hạ vẫn cứ ùn ùn kéo đến xem cái "đồ cũ" ấy và mang về cho họ vài triệu lượt du khách quốc tế mỗi năm. Đó mới là thứ chúng ta cần học hỏi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.