Theo phương án dự kiến, bất kỳ ai tham quan phố cổ Hội An thời gian tới sẽ phải mua vé. Giá vé khách quốc tế là 120.000 đồng và khách nội địa 80.000 đồng một lượt. Tại các lối vào chính quyền phân hai luồng cho du khách và người dân. Lối đi của người dân Hội An ra vào không hạn chế, không phải soát vé. Ngoài đường chính, người dân được đi các ngõ hẻm. Du khách bắt buộc đi các lối chính, tại đây có người chốt và hướng dẫn viên hỗ trợ mua vé tham quan.
Không phản đối đề xuất thu vé tham quan phố cổ Hội An, tuy nhiên, độc giả Lthnhut đặt dấu hỏi về chất lượng dịch vụ du lịch tại đây: "Tôi là người từng đến Hội An cùng gia đình rất nhiều lần trước kia, nhưng tôi đã không quay lại đây nữa kể từ năm 2019 đến nay Thực ra, nguyên nhân không phải là chuyện Hội Anh có thu phí vào phố cổ hay không, mà là liên quan đến chất lượng dịch vụ:
1. Nhà vệ sinh công cộng rất khó tìm. Khi con tôi cần đi vệ sinh, tôi đã phải vào quán nước, gọi tạm một thức uống để được sử dụng nhà vệ sinh của họ.
2. Tôi cảm thấy việc tiếp đón khách du lịch có phần phân biệt. Nhiều người bán hàng thường rất nồng nhiệt, đon đả với khách nước ngoài, nhưng khách trong nước thì họ lại có phần thiếu thiện cảm.
3. Sự bát nháo trước cửa vào của khu phố cổ. Chuyện này thấy rất rõ ở cổng vào khu chợ Hội An, khiến du khách như tôi cảm thấy không mấy an toàn.
4. Một số tiểu thương xua đuổi khách chụp hình. Nhiều khi du khách muốn lưu giữ vài tấm ảnh kỷ niệm không gian phố cổ, nhưng ngay lập tức bị các chủ cửa hàng ra đuổi đi, nhất quyết không có khác đứng chụp hình trước cửa tiệm của mình.
5. Một số hạng mục, di tích không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: dẫn đến tình trạng xập xệ, xuống cấp, làm xấu đi hình ảnh của du lịch Hội An.
6. Vấn đề phí chồng phí: du khách đã phải mua vé vào cổng chính rồi, nhưng khi muốn vào Hội quán Phúc Kiến chẳng hạn có cần mua vé nữa không? Nếu có, điều đó liệu có đảo bảo quyền lợi chu du khách hay đang tận thu?
Tóm lại, tôi cho rằng Hội Anh thu phí vào phố cổ cũng được, nhưng trước khi làm điều đó, địa phương phải đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch trước đã, để ít nhất du khách được hưởng dịch vụ tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Có như vậy chuyện thu phí mới không phản tác dụng".
So sánh với việc thu phí vào phố cổ ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại nước láng giềng, bạn đọc Jack Tran nhận định: "Đúng là tại Trung Quốc, Phượng Hoàng Cổ Trấn - một khu phố cổ nổi tiếng, điểm đến của nhiều khách Việt những năm gần đây, đang thu phí 248 nhân dân tệ (khoảng 845.000 đồng) hoặc 138 nhân dân tệ (khoảng 470.000 đồng), một người, tùy lựa chọn tham quan. Thành cổ Lệ Giang không thu vé nhưng khuyến khích du khách đóng góp 80 nhân dân tệ (khoảng 270.000 đồng) phí bảo tồn. Cổ trấn Tây Đường bán vé 95 nhân dân tệ (khoảng 320.000 đồng).
Nhưng hãy sang tận nơi để xem những địa điểm đó đẹp vá đáng đồng tiền bát gạo thế nào? Trong khi tôi đi Hội An năm 2017 chẳng thấy có gì quá đặc sắc, chỉ đi tầm một tiếng là hết thứ để tham quan rồi, điểm đi điểm lại cũng có mỗi chùa Cầu và nhà cổ Phùng Hưng là mới lạ. Ngoài ra, tôi không có gì để xứng đáng với số tiền vé 80.000 đồng một lượt với khách nội địa cả. Nếu muốn Hội An hấp dẫn hơn trong mắt du khách, việc cần làm là phải nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi nghĩ tới chuyện bán vé".
>> 'Đà Lạt chỉ đẹp khi còn rừng và hoa'
Ngay từ khi công bố, thông tin thu vé vào phố cổ Hội An đã gây nên những tranh luận trái chiều. Nhiều du khách phản đối chuyện thu vé vì cho rằng chất lượng không tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Không ít tiểu thương kinh doanh tại phố cổ cũng lo lắng việc thu vé sẽ làm giảm lượng khách, dẫn tới thất thu cho các hộ kinh doanh. Trong khi đó, đại diện ban quản lý phố cổ Hội An lại bảo lưu quan điểm "phí vào di tích là bình thường ở Việt Nam", tránh gây thất thoát ngân sách.
Gợi ý giải pháp dung hòa lợi ích cho các bên khi tiến hành thu vé vào phố cổ Hội An, độc giả Pmquan nêu quan điểm: "Thực ra, các điểm tham quan của phố cổ Hội An cũng không nhiều, chỉ khoảng chục nơi, chủ yếu là chùa Cầu; nhà cổ nổi tiếng như Tấn Ký, Quân Thắng, Phùng Hưng; bảo tàng; đền thờ. Còn lại là nhà cổ thường đang được sử dụng để kinh doanh. Du khách chỉ đi ngang những nhà này hoặc ghé vào ăn uống chứ không có gì để tham quan cả.
Thế nên, cần cân nhắc kỹ việc bán vé. Theo tôi, tiền vé vào phố cổ nên ở mức rẻ, còn tiền vé tham quan từng điểm nổi tiếng có thể tính riêng. Và nên bán vé sử dụng cả ngày hoặc vài ba ngày, ra vào tự do trong suốt thời gian vé có giá trị, tránh thu đi thu lại nhiều lần. Bên cạnh đó, việc kiểm soát vé cũng không dễ vì có rất nhiều ngõ ra vào khu phố cổ. Vậy thì phải lập chốt bán vé và kiểm soát vé tại rất nhiều nơi, phải có lực lượng đi tuần kiểm tra vé, tìm cách ngăn du khách không được đi đường hẻm... Vậy thì còn gì là đi du lịch nữa?
Tôi đi Penang, cũng được UNESCO công nhận là di sản thế giới 2008 sau Hội An (1999). Tại đó, du khách phải trả thêm 10 ringit (khoảng 53.000 đồng) cho một đêm tại một phòng khách sạn. Đây gọi là thuế du lịch (tourism tax). Không biết Hội An có nên áp dụng thuế này thay vé tham quan hay không?".
Lấy dẫn chứng từ cách thu vé của nhiều nước trên thế giới, bạn đọc Cherry Nguyen bổ sung thêm: "Tôi đã đi khá nhiều khu phố cổ ở châu Á, có nơi không thu vé, nhưng cũng có nhiều nơi thu vé khá cao. Nhưng tôi sẵn sàng chi trả vì phố cổ của họ rộng, lại được bảo tồn cực kỳ tốt. Người dân vẫn sinh sống buôn bán bên trong bình thường nhưng không gian luôn sạch sẽ và giữ được vẻ cổ kính. Tôi thấy có một số mô hình thu vé mà chúng ta có thể học tập:
1. Không thu vé lượt mà vé sẽ áp dụng thu theo đầu người mỗi ngày. Ví dụ: 50.000 đồng/người/ngày hoặc 80.000 đồng/người/hai ngày. Tức là du khách có thể ra vào bao nhiêu lần cũng được trong thời hạn của vé.
2. Vé sẽ bao gồm hết tất cả các không gian văn hóa khác trong phạm vi phố cổ, chỉ nơi nào thực sự thực sự đặc sắc, có nét riêng mới nên thu thêm phí lẻ.
3. Với khách thuê khách sạn lưu trú trong phạm vi phố cổ nên được giảm 50% giá vé tham quan.
4. Không nên phân biệt giá vé giữa khách nội địa và khách quốc tế.
5. Cần có ban quản lý quỹ, chứng minh hàng năm với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Làm được vậy thì chuyện thu phí vào phố cổ Hội An mới đem lại hiệu quả thực chất, mà vẫn không khiến du khách quay lưng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.