Nhiều tháng nay, UBND TP Hà Nội tiếp tục dựng rào chắn ngăn chặn người dân, du khách quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong hành lang đường sắt tại xóm cà phê đường tàu chắn Trần Phú. Tuy nhiên, thực tế, một số quán cà phê đường tàu vẫn mở cửa đón khách, bất chấp rào chắn và lực lượng chốt trực bên ngoài. Vậy việc đóng cửa hoàn toàn, cấm mọi hoạt động kinh doanh tại khu vực này có thực sự là giải pháp có lợi cho du lịch Việt?
Nói về vấn đề này, độc giả Hoang Thien Thanh bày tỏ quan điểm: "Việc cấm chưa chắc đã là một phương án tốt nhất. Tôi cho rằng, thành phố nên đưa ra quy định cụ thể về tốc độ của đoàn tàu, đồng thời có thể treo công khai bảng lịch trình giờ tàu chạy hàng tuần để người dân và du khách nắm được, có những hoạt động phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực. Sẽ rất lãng phí nếu chỉ cấm tuyệt đối khi đây là địa điểm giúp du khách có thêm những trai nghiệm thú vị, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người dân".
Ủng hộ việc quản lý thay vì lệnh cấm, độc giả Nguyễn Đình Dũng cho rằng: "Thay vì cấm, tại sao ngành đường sắt không 'xã hội hóa' hoạt động này. Ví dụ như yêu cầu những người được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu tuân thủ nghiêm các cảnh báo nguy hiểm và đảm bảo an toàn khi tàu đi qua. Điều đó vừa nâng cao hình ảnh của ngành, vừa đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngành trong điều kiện khó khăn hiện nay. Việc này không quá khó thực hiện nên nếu bỏ sẽ rất lãng phí".
>> 'Cà phê đường tàu không phải nét độc đáo du lịch Hà Nội'
So sánh với cách khai thác du lịch từ cà phê đường tàu của Thái Lan, bạn đọc NM Duny gợi ý: Ở Thái Lan có một chợ họp ngay cạnh đường tàu, là trải nghiệm 'có một không hai' cho du khách. Họ vẫn hoạt động hàng chục năm nay mà không xảy ra sự cố gì. Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của nước bạn. Thực chất, việc ngồi uống cà phê gần đường tàu khi ai cũng biết trước lịch tàu chạy (không quá nhiều chuyến) còn an toàn hơn ngồi ăn uống ở vỉa hè gần lòng đường - nơi các loại xe cộ qua lại liên tục".
"Ở Thái Lan, Ấn Độ, người ta vẫn kinh doanh bên đường tàu như vậy có sao đâu? Cách tốt nhất là làm hàng rào an toàn quanh khu vực đường ray, địa phương có thể xây dựng chuẩn chung cho các hộ dân xung quanh và yêu cầu tuân thủ nếu muốn kinh doanh. Các hộ kinh doanh cũng phải tự đảm bảo hành lang an toàn, vị trí kinh doanh, nếu không sẽ bị phạt và cấm bán, như vậy tự khắc họ sẽ tuân theo. Nói chung, hãy xây dựng quy chuẩn để quản lý thay vì vội vàng cấm đoán", độc giả Nam Thanh nói thêm.
Nhấn mạnh những lợi ích mà cà phê đường tàu có thể đem lại nếu được quản lý tốt, bạn đọc Bình Luận khẳng định: "Theo tôi, không cần cấm, cứ đặt biển thông nguy hiểm, các quy định đảm bảo an toàn, ai để du khách vi phạm thì phải tự chịu hoàn toàn trách nghiệm. Ở Thái Lan cũng có khu chợ đường tàu rất nổi tiếng và vẫn đang được hoạt động bình thường. Nhiều nước trên thế giới cũng có những loại hình du lịch mạo hiểm hơn nhiều như leo núi tuyết, khám phá hang động...
Với một nơi du lịch thuộc hàng giá rẻ như Việt Nam thì việc du khách tới vì một điểm check-in mới và độc đáo như phố cà phê đường tàu là hoàn toàn dễ hiểu. Còn sợ nguy hiểm tới tàu thì chỉ cần yêu cầu các hộ dân hoàn trả hành lang an toàn theo đúng quy định trước khi kinh doanh là được. Không nên làm kiểu nửa vời như hiện nay, mang tiếng cấm nhưng các hộ dân vẫn kinh doanh đón khách, vừa chẳng đi tới đâu (vì thiếu quy chuẩn quản lý), lại đem đến cho du khách một cái cảm giác là luật của ta không nghiêm".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.