Thu phí vào phố cổ Hội An để lấy kinh phí trùng tu di tích, như một cách san sẻ trách nhiệm của du khách, tuy nhiên cũng cần lắng nghe ý kiến của người dân và đặc biệt là của những người yêu thích du lịch. Theo tôi, phương án thu phí này thật sự không khả thi, mà ngược lại, lâu dần sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Hội An. Thậm chí, ngay cả những cá nhân và cơ sở kinh doanh trong khu vực phố cổ cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Tháng ba vừa rồi, tôi cùng gia đinh và vài người bạn quốc tịch Malaysia có dịp tới thăm Hội An. Với cá nhân tôi, đây là lần thứ hai tôi ghé lại nơi này, còn nhóm bạn Malaysia kia là lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất Hội An. Khỏi phải nói, những người bạn của chúng tôi vô cùng ấn tượng với kiến trúc và văn hóa của phố cổ.
Họ cũng không tiếc tiền chi cho một bữa ăn tới vài triệu đồng để được thưởng thức tất cả món ăn truyền thống của địa phương. Rồi sau đó, cả nhóm lại kéo nhau đi nhâm nhi ly cà phê phố cổ đậm chất Hội An, mà khi thanh toán, hóa đơn lên tới cả triệu đồng. Ngoài ra, họ cũng chi không ít cho những hoạt động, dịch vụ vui chơi khác như đi thuyền, thả hoa đăng, mua sắm hay ăn vặt...
Tiền thuê khách sạn lưu trú qua đêm của họ cũng chẳng hề ít, chưa kể cả những chi phí thuê phương tiện đi lại trong thành phố nữa. Về đêm, sau khi đã thăm thú, vui chơi mệt nhoài cả ngày, cánh đàn ông cũng không ngại tấp vào một quán massage thư giãn, các chị em phụ nữ chúng tôi thì tạt vào tiệm làm nail, gội đầu...
Nói vậy để thấy, du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Hội An hầu hết là những người rất chịu chi. Họ sẵn sàng bỏ tiền để hưởng nhiều dịch vụ tại phố cổ, trải nghiệm tối đa những nét độc đáo mà không nơi nào có được.
>> 'Thu phí vào phố cổ Hội An chưa xứng đáng với chất lượng dịch vụ'
Tôi cũng có tâm sự nhỏ với người lái thuyền về sự nhộn nhịp cũng như thu nhập từ công việc cung cấp các dịch vụ du lịch của người dân Hội An. Anh tâm sự rằng ngày xưa cuộc sống của những người như anh rất khó khăn, phần lớn người dân Hội An chủ yếu làm đồng ruộng và đánh bắt cá kiếm thu nhập ít ỏi để mưu sinh. Nhưng từ khi Hội An phát triển du lịch, cuộc sống của người dân ở đây cũng đi lên theo. Người ta nhàn nhã hơn, kiếm tiền tốt hơn, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày một khấm khá.
Nhóm chúng tôi kết thúc chuyến đi đó khi mà những người bạn ngoại quốc của tôi không kịp lên Bà Nà vì gặp mưa và sương mù dày đặc. Họ thể hiện sự tiếc nuối và lưu luyến với mảnh đất miền Trung xinh đẹp này và lập tức lên kế hoạch sẽ quay lại đây một lần nữa vào tháng 6 tới. Họ nói với tôi rằng nhất định sẽ lên đỉnh Bà Nà một lần, cũng như ghé lại thăm phố cổ Hội An một cách đầy háo hức.
Thế nhưng, sau khi nghe tôi nói rằng "Hội An sẽ thu phí tham quan với tất cả khách du lịch vào thời gian tới, giá vé một lượt cho khác nước ngoài là 120.000 đồng", tất cả bọn họ đều chưng hửng. Họ nói: "Vậy thì chúng tôi sẽ chỉ lên Bà Nà rồi quay ra Huế chứ không quay lại Hội An nữa". Tôi tin rằng, nếu áp dụng bán vé tham quan đối với du khách vào phố cổ, Hội An sẽ mất dần lượng lớn khách tham quan theo thời gian. Người ta có thể bỏ tiền mua vé tham quan khi lần đầu đến đây, nhưng chắc chắn những lần sau họ sẽ không còn nhiều lý do để quay lại nữa.
Bản thân tôi cũng là một người Việt rất yêu mến Hội An, nhưng nói thật, nếu phải bỏ tiền mua vé để vào phố cổ, thì chắc tôi cũng sẽ nói "không" với việc quay trở lại. Khi bạn đã chi hàng triệu đồng cho các dịch vụ lớn nhỏ, thì việc phải mất thêm tiền mua vé tham quan mới thực sự là bất công cho du khách.
Lý giải câu chuyện Hội An thu phí vào phố cổ với tất cả du khách từ 15/5, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND Hội An cho rằng giá vé hiện thấp, không đủ trùng tu di tích, đồng thời kêu gọi du khách cần san sẻ trách nhiệm bằng cách trả phí. Vị này khẳng định: "Không thu phí là bất công với phố cổ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.