Đọc bài viết "Đà Lạt chỉ đẹp khi còn rừng và hoa", tôi ưng ý nhất với câu: "Dù có thế nào, xin hãy nhớ một giá trị cốt lõi rằng Đà Lạt sẽ chỉ đẹp, mãi đẹp, là duy nhất nếu như còn rừng, còn hoa". Quan điểm này của tác giả Hiếu Quân cũng chính là điều mà tôi trăn trở mỗi khi nói về cách làm du lịch của Đà Lạt từ trước tới giờ.
Tôi mới lên Đà Lạt sau Tết vừa rồi để "săn" mai anh đào. Thực ra, trước đây tôi từng có dịp ngắm anh đào ở Nhật Bản, nên tôi chỉ mơ mộng rằng Đà Lạt một ngày không xa cũng sẽ có một công viên mai anh đào, có những cung đường phủ kín hai hàng cây mai anh đào giống như ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Thế nhưng, tiếc rằng, khi tôi lên đến nơi, chỉ còn lác đác vài cây hoa nở muộn, nhưng nói thật là vẫn đẹp.
Nhìn vài cây mai anh đào thưa thớt, tôi lại thấy tiếc khi loài hoa tuyệt đẹp của mảnh đất Đà Lạt này, lại chỉ được trồng rải rác, theo kiểu tự phát (nhiều cây do người dân trồng trên chính sân nhà mình). Nếu người làm du lịch tại đây tập trung lại thành một khu vườn, công viên hoặc trồng thành một cung đường toàn mai anh đào thì tuyệt biết mấy.
Đặc biệt là chúng ta cũng chẳng có một dự báo nào về thời điểm mai anh đào nở rộ (như Nhật Bản có hẳn trang web dự báo thời gian hoa anh đào nở). Thế nên, mỗi khi muốn biết khi nào mai anh đào Đà Lạt nở, tôi lại chỉ biết mò mẫm, trông chờ vào các video của các YouTuber quay lại. Để rồi khi biết thì đi cũng đã muộn.
Mới đây, sau khi nghe thông tin Đà Lạt xây dựng chợ đêm ở công viên Ánh sáng, bản thân tôi cảm thấy rất hụt hẫng. Lên Đà Lạt, tôi rất kỵ vào những chỗ bát nháo, xô bồ, đông người, chỉ thích tìm về với thiên nhiên, không gian thanh bình. Trong chuyến đi vừa rồi, tôi thích nhất là buổi chiều ở chùa Linh Phong. Khung cảnh thiên nhiên ở đây tĩnh mịch, nhưng cũng đủ làm cho lòng người xao xuyến. Tiếc rằng người làm du lịch ở đây chưa chú trọng tới những khía cạnh này, khiến Đà Lạt mất dần đi những giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu của mảnh đất mờ sương.
>> 'Sa Pa, Đà Lạt lạc lối vì đánh đổi hoang sơ'
Quan điểm của tôi là dù muốn phát triển như thế nào thì cũng phải giữ cho bằng được nét hồn nhiên, mộc mạc vốn có của những địa điểm như Đà Lạt hay Sa Pa. Muốn vậy, chúng ta phải phát triển một cách hài hòa với thiên nhiên thơ mộng nơi đây. Không phải cứ ào ào xây dựng, phá vỡ thiên nhiên, can thiệp thô bạo vào tự nhiên, làm đẹp bằng cách "tô son trát phấn".
Như mấy cây cầu chữ Y ở hồ Xuân Hương nên thơ là thế, nãy bỗng dưng lại được dựng thêm vòng tròn thếp vàng, trình chiếu ánh sáng lòe loẹt và lạc quẻ, phá vỡ nét thơ mộng vốn có. Thử tưởng tượng nếu quanh hồ Xuân Hương trồng toàn mai anh đào thì đâu thua kém gì Nhật Bản, Hàn Quốc. Rồi công viên ánh sáng hiện thời cũng thơ mộng là vậy, nếu nay chúng ta biến thành công viên mai anh đào để người dân và du khách đến chiêm ngưỡng thì còn gì bằng? Nhưng tiếc là người ta còn định xây cả chợ đêm ở công viên này. Nghĩ đến thôi mà tôi đã thấy ngao ngán.
Muốn phát triển du lịch cho Đà Lạt, tôi tin rằng không phải chuyện gì quá khó đến mức bất khả thi. Đà Lạt có một số loại hoa đặc biệt như phượng tím, mai anh đào... Vậy nếu trồng một đồi hoa phượng tím, làm đường đi cho chỉn chu, phù hợp để người ta đi bộ (trekking) lên xem hoa như ở Nhật Bản với đồi hoa đỗ quyên, thì đâu khó để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hoặc nếu trồng một công viên mai anh đào giống công viên hoa anh đào ở Nhật Bản thì tự khắc du khách sẽ đổ đến tham quan rần rần mà thôi. Ngoài ra, Đà Lạt có nhiều thác hoang sơ, nếu làm những con đường trekking quanh thác, vòng qua các ngọn núi thì chắc du khách nước ngoài sẽ muốn ghé qua không chỉ một lần. Đó mới là những cách làm du lịch bền vững, chứ không phải kiểu lòe loẹt, ăn xổi như những gì người ta đang thấy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.