"Quảng Ninh đón hơn 1,6 triệu lượt khách trong tháng 1/2023", "Đà Nẵng đón lượng khách tăng hơn 8 lần", "Cả nước đón 9 triệu lượt khách nội địa dịp Tết"... Những con số hoành tráng, mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng sau đợt cao điểm du lịch Tết Nguyên đán. Thoạt nghe, đây có vẻ là một tín hiệu lạc quan với du lịch Việt. Nhưng thực tế, tổng thu từ khách du lịch của toàn ngành đang giảm 30% so với dịp Tết năm 2022 – giai đoạn Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Một người bạn của tôi, kinh doanh tàu tham quan vịnh Hạ Long tâm sự rằng, vất vả lắm mới cầm cự qua giai đoạn Covid, nhưng giờ anh còn thấy hoang mang hơn để tìm cách tồn tại. Trước đây, anh kinh doanh 11 tàu liên tục, suốt bốn mùa kín khách, thậm chí phải đặt trước mới có chỗ. Nhưng tất cả chỉ còn là ký ức, ba năm dịch Covid-19, anh đã bán bốn chiếc tàu để trang trải cho hoạt động bảo trì, tu dưỡng và trả tiền nhân viên nhằm duy trì những tàu còn lại. Đến nay mở cửa, khách quốc tế chưa trở lại nên anh mới hoạt động cầm chừng bốn chiếc. Nhưng dịp Tết vừa qua, bến thuyền vẫn ảm đạm, chỉ chạy được 20% công suất.
Anh nói: "Tết này không khí Hạ Long thật sự im lìm, chú cứ về dạo quanh trung tâm thành phố, nhìn những hàng quán, khách sạn đóng từ trước Tết còn chưa mở lại là đủ hiểu. Người kinh doanh như anh, mỗi tháng mở ra là mất chi phí 70 triệu đồng cho một chiếc tàu, cứ thế nhân lên bốn lần là ra tổng chi phí duy trì hoạt động". Thú thật, tôi đã an ủi anh nhưng cũng thấy ái ngại, cứ xoay trên xoay dưới để cầm cự thế này, liệu công ty nhỏ của anh có chung số phận giải thể như nhiều doanh nghiệp khác? Còn chưa kể có thể kéo theo nhà, xe và nhiều thứ khác anh đang có cũng ra đi?
Dẫu biết mùa xuân ở Quảng Ninh không phải mùa biển của Hạ Long, khách chủ yếu đi lễ chùa, thăm đền đầu năm. Nhưng liệu con số 660.000 lượt khách trong Tết và 1,6 triệu lượt khách tháng 1 có phản ánh đúng thực trạng của ngành du lịch, bao gồm cả những doanh nghiệp đang "thoi thóp" như anh bạn tôi?
Lượng khách lưu trú ở Quảng Ninh dịp Tết chỉ đạt 30-40%, vậy số lượng khách còn lại ở nội tỉnh hay từ những địa phương lân cận đến rồi về luôn trong ngày mà chi tiêu không nhiều vào dịch vụ cũng tính là khách du lịch, thì đến khi nào mới giúp ngành phục hồi chứ chưa nói đến phát triển?
>> Du lịch 'một người làm, năm người phá'
Quảng Ninh chỉ là một ví dụ. Còn nhìn vào thống kê toàn ngành du lịch Tết này mới thấy nghịch lý, khi số lượng khách tăng trưởng 47,5% so với năm ngoái nhưng doanh thu lại giảm 30%. Khách thắt chặt chi tiêu là một phần, nhưng liệu có hay không chúng ta đang quá quan tâm vào "lượng" thay vì "chất"? Các con số báo cáo chỉ làm chúng ta tự hài lòng và dậm chân một chỗ khi nhiều quốc gia khác đang tăng tốc du lịch.
Tất nhiên, so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng hãy nhìn sang Thái Lan để thấy, trong năm 2022 họ đã vượt xa chỉ tiêu đón 10 triệu khách quốc tế và 189 triệu chuyến đi của khách nội địa. Năm nay, mục tiêu của họ đã nâng lên 25 triệu khách quốc tế, 250 triệu chuyến đi khách nội địa. Nhưng điều tôi chú ý nhất, mục tiêu doanh thu năm nay của họ đang đặt ra là 80% doanh thu so với năm 2019, thật là những bước nhảy vọt đáng nể.
Và để có những mục tiêu doanh thu lớn, Thái Lan đã mở ra hàng loạt chính sách kịp thời, linh hoạt với bối cảnh từ ngay trong dịch Covid-19, cùng hàng loạt chiến dịch Marketing tới các thị trường đích, đón đầu dòng khách ngay khi mở cửa. Đã đến lúc chúng ta nên đưa những con số của ngành du lịch về với đúng với vai trò của nó, là dùng để nghiên cứu thay vì báo cáo ước lượng, để có sự biến hóa kịp thời, phục hồi lại ngành công nghiệp không khói đúng với tiềm năng của nó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.