Tôi không đồng tình với quan điểm "Thu phí vì Hội An là di sản, không phải phố ăn uống" mà tác giả Bao đã đề cập. Để bảo vệ cho luận điểm của mình, tôi xin nêu ra một vài lý do như sau:
Thứ nhất, trong bất cứ trường hợp nào, người bán cũng không thể một mình quyết định cả thị trường được. Cũng như trong câu chuyện bảo tồn di sản Hội An, bạn không thể nói vì chi phí bảo tồn quá cao, mỗi nhà 4 tỷ đồng, nên cứ đẩy hết chi phí đó cho người mua gánh chịu được. Ở đây, nếu du khách không đến chỗ anh (để đỡ phải chịu chi phí) thì người ta sẽ đi nơi khác, bởi có quá nhiều lựa chọn thay thế.
Ngày xưa, có thể không có địa điểm nào khác để thay thế được Hội An, chứ bây giờ những kiểu phố cổ, trang trí lồng đèn, nhà gạch ngói hầu như có thể tìm được ở bất kỳ đâu. Chỉ cần một chủ đầu tư thương hiệu cà phê bình thường cũng hoàn toàn có thể xây một không gian kiến trúc bắt chước y hệt Hội An.
Thế nên, nếu chỉ nghĩ đến chuyện thu phí tham quan thì chắc chắn khách nội địa sẽ chẳng ai tới đây nữa. Nếu điều đó xảy ra, người thiệt hại đầu tiên chính là mấy bà con bán hàng ở trong khu phố cổ. Họ cũng là con người, cuộc sống của họ có đáng được lo lắng, quan tâm hơn mấy cái nhà cổ không? Đó sẽ là một câu hỏi cần được cân nhắc thấu đáo.
Thứ hai, mức giá 80.000 đồng cho khách nội địa được đưa ra ở đây đã hợp lý hay chưa? Phố cổ Hội An có gì để xứng đáng với mức giá đó? Cứ cho rằng những người lần đầu đến Hội An sẽ cảm thấy việc bỏ ra 80.000 đồng cho việc tham quan phố cổ là chấp nhận được. Nhưng vấn đề là những người đi lần hai, lần ba, sẽ thấy thế nào? Họ có cần phải bỏ ra 80.000 đồng mỗi lần để xem lại một thứ cũng cứ mãi y như thế, chẳng có gì mới mẻ?
Chưa kể, xét trên góc độ thị trường, đã kinh doanh thì anh phải dự tình sẵn một phần lợi nhuận để nâng cấp chất lượng dịch vụ, cải tiến, đổi mới để giữ chân khách hàng. Giờ nếu bảo tiền thu được sẽ dành hết cho bảo tồn thì anh còn kinh doanh cái gì nữa?
>> Hội An đông nhưng mất chất nếu không thu phí'
Thế nên, để dung hòa lợi ích giữa các bên trong câu chuyện này, tôi xin có một đề xuất như sau: Nếu đang từ miễn phí, giờ muốn thu phí thì nhất định phải có dịch vụ đi kèm tương xứng với giá vé. Đó là tâm lý bình thường của con người để họ có thể chấp nhận bỏ tiền ra. Khi khách hàng cảm thấy hài lòng với thứ mà họ nhận lại được, chắc chắn người ta sẽ đánh giá cao dịch vụ thay vì phàn nàn vì phải bỏ tiền ra một cách vô lý.
Ngoài ra, Hội An hoàn toàn có thể tính toán bán vé theo một chu kỳ dài hơi hơn thay vì chỉ bán theo lượt. Ví dụ, nên phát hành những loại vé với thời hạn 3 năm, 5 năm, được lưu sẵn trong ứng dụng di động hoặc đăng ký qua email, sosos điện thoại của khách hàng, bên cạnh thẻ giấy như hiện tại. Trong thời gian đó, người mua có thể ra vào bao nhiêu lần tùy thích. Đó sẽ là một cách kích cầu, lôi kéo du khách quay lại với Hội An nhiều lần hơn.
Tóm lại, Hội An cũng như nhiều địa phương khác cần có một chiến lược làm du lịch dài hơi, bền vững nhằm níu chân du khách, thay vì chỉ tính toán tận thu, ăn xổi trong ngày một, ngày hai.
Trước những ý kiến trái chiều, ngày 8/4, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết đã đề nghị UBND thành phố chưa thực hiện phương án phân luồng và bán vé cho tất cả du khách vào phố cổ từ 15/5 như dự kiến. Hiện khách vào phố cổ Hội An muốn tham quan những điểm nhất định kèm thuyết minh mới phải mua vé, khách đi dạo phố và ăn uống được miễn phí. Giá vé khách quốc tế là 120.000 đồng và khách nội địa 80.000 đồng một lượt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.