Vụ việc nam tài xế 31 tuổi ở Đà Nẵng thu tiền du khách Hàn Quốc gấp 10 lần giá cước taxi thông thường (hơn 2 triệu đồng cho quãng đường 4,5 km từ sân bay Đà Nẵng về khách sạn trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu) một lần nữa gióng hồi chuông báo động về tình trạng "chặt chém" khách du lịch tại Việt Nam.
Đây không phải vấn nạn mới xuất hiện ngày một ngày hai, mà đã tồn tại suốt nhiều năm qua, khiến không chỉ người Việt mà cả khách nước ngoài cũng nhiều lần bức xúc. Thế nhưng, đến nay, chúng ta dường như vẫn chưa có hành động quyết liệt nào để ngăn chặn tận gốc. Để rồi năm nào người ta cũng lại thấy những vụ việc tương tự bị phát giác, làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt.
Bàn về vấn nạn "chặt chém" khách du lịch tại Việt Nam, độc giả Ban Doc chia sẻ những cảm nhận từ thực tế trải nghiệm của mình:
Nhưng vụ việc "chặt chém" thế này, dù lớn hay nhỏ, cũng góp phần ít nhiều vào những lý do khiến khách du lịch cả trong và ngoài nước không thích Việt Nam. Không riêng gì dịch vụ taxi, mà ngay cả dịch vụ bán hàng, ăn uống... cũng thường xuyên diễn ra tình trạng "chặt chém" du khách. Không chỉ khách quốc tế mà ngay cả khách nội địa cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của các chiêu trò "móc túi" của người làm dịch vụ.
Bản thân tôi là một người rất yêu thích du lịch. Tôi đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước, cũng từng gặp không ít lần bị "chặt chém" công khai, huống hồ là khách quốc tế vốn không rành về tiếng Việt, giá cả hàng hóa, dịch vụ.
Nhiều người hay so sánh cách làm du lịch ở Việt Nam và Thái Lan, đặt những câu hỏi như tại sao khách Tây đến Thái Lan 8 lần, TP HCM một lần? Thực ra không phải ở Thái Lan không có tình trạng "chặt chém". Bản thân tôi từng ở Thái Lan thời gian trước, cũng không ít lần bị tài xế Tuk Tuk thu tiền vô lý, nhiều dịch vụ khác cũng như vậy. Nhưng nói vậy không phải bao biện cho việc chúng ta cũng được quyền tùy tiện "chặt chém" du khách.
Việt Nam muốn phát triển du lịch thì cần phải kiên quyết dẹp bỏ vấn nạn này. Việc cần làm là mạnh tay kiểm tra, xử phạt thật nặng các trường hợp vi phạm để làm gương. Không thể cứ khi bị phát hiện là lại trả lại tiền và xin lỗi, rồi phạt nhẹ là xong. Làm vậy thì mãi mãi không thể răn đe những người sau. Chính vì sự thiếu quyết liệt, xử phạt kiểu "giơ cao đánh khẽ" nên hình ảnh du lịch Việt mới bị gắn với hình ảnh "chặt chém" suốt nhiều năm qua.
>> Thoi thóp làm du lịch kiểu 'thừa lượng, thiếu chất'
Chăm "chặt chém" nhưng ở những khía cạnh phát triển dịch vụ khác, du lịch Việt lại trở nên thất thế. Ai từng đi khắp nơi trên đất Thái sẽ nhận thấy cảnh đẹp thiên nhiên của họ chẳng hơn gì nước ta. Nhưng cái chính là cách làm du lịch của họ nói thật chúng ta không bằng. Từ cách chào đón niềm nở nhiệt tình ở khu vực hải quan, cho đến người bán hàng rong... Từ cách tổ chức chợ đêm, đến các khu du lịch... Tất cả đều cho thấy sự chuyên nghiệp của người làm du lịch, dịch vụ, khiến du khách có một trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Cứ nhìn một ví dụ cụ thể ở miền Tây nước ta. Ai đi chợ nổi Cái Răng về chắc chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì mang tiếng là chợ nhưng chỉ lác đác vài thuyền bán hàng, thậm chí thuyền chở du khách còn đông hơn thuyền của người bán. Vì chẳng có gì nhiều để xem, để mua nên ai đi một lần rồi cũng chẳng muốn quay lại nữa. Trong khi đó, ở Thái Lan, có những nơi rất bình thường cũng biến thành điểm du lịch đông đúc, sầm uất, đa dạng mặt hàng, dịch vụ để níu chân du khách.
Nói chung, tư duy làm du lịch của ta vẫn còn rất nhiều hạn chế. Việt Nam có thể tập trung vào quảng bá quá nhiều, tự hào về mấy số liệu du khách hằng năm, mà quên mất cái thực chất của du lịch nước nhà. Người Việt dường như chưa chú trọng đến việc làm du lịch bền vững, đó là làm sao để du khách muốn quay lại chứ không phải đến một lần rồi thôi.
Ban Doc
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.