Đau mỏi lưng có thể là hậu quả của quá trình làm việc quá sức, sinh hoạt sai tư thế, cong lưng hoặc cúi người trong thời gian dài. Tình trạng này sẽ giảm bớt nếu người bệnh được nghỉ ngơi và xoa bóp đúng cách. Tuy nhiên, ở một số người có tình trạng ngược lại.
Khi vận động, cơn đau không xuất hiện hoặc đau ít nhưng lúc nghỉ ngơi, thư giãn cơn đau lại trở nên dữ dội hơn. Những cơn đau nghiêm trọng xuất hiện lúc nửa đêm về sáng có thể làm người bệnh thức giấc. Khi giấc ngủ bị gián đoạn trong thời gian dài do đau lưng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần người bệnh, dẫn đến kém tập trung, không tỉnh táo, uể oải...
BS.CKI Nguyễn Tấn Vũ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, đau lưng về đêm sẽ là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nếu có các đặc trưng như đau lưng hoặc đau mông, đau ít khi vận động và đau nhiều khi nghỉ ngơi. Tùy từng bệnh lý cụ thể, sẽ xuất hiện thêm các biểu hiện khác nhau. Người bệnh cần lưu ý nếu đau lưng về đêm kèm theo các triệu chứng dưới đây thì cần được thăm khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm như:
Đây là bệnh lý thường gặp ở những người dưới 40 tuổi, đặc trưng bởi các cơn đau kéo dài trên 3 tháng. Cơn đau khởi phát âm ỉ với cường độ tăng dần theo thời gian. Người bệnh có thể cảm thấy đau ở cột sống lưng, cột sống ngực, cột sống cổ, đau một hoặc cả hai bên mông... Ngoài đau lưng về đêm, người bệnh viêm cột sống dính khớp còn có thể gặp phải các vấn đề như sưng khớp, viêm cân gan chân, viêm gót chân, vảy nến, đi tiêu ra máu...
Ung thư di căn
Đối với những người từng bị ung thư ở một cơ quan nào khác như ung thư dạ dày, ung thư vú... khi xuất hiện những cơn đau ở cột sống, đặc biệt là vào ban đêm thì bắt buộc phải đến bệnh viện để tầm soát tình trạng di căn. Ngoài ra, trường hợp người cao tuổi, thường xuyên đau nhức xương khớp, đã điều trị nhiều năm theo phác đồ của thoái hóa khớp hoặc thoát vị đĩa đệm nhưng không thuyên giảm cũng cần tiến hành tầm soát ung thư. Theo bác sĩ Tấn Vũ, nếu cơn đau thật sự bắt nguồn từ các bệnh lý cơ xương khớp thì điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu phải phát huy tác dụng giảm đau.
Viêm thân sống đĩa đệm cũng có dấu hiệu cảnh báo là đau lưng về đêm. Bệnh lý này xảy ra khi cột sống bị nhiễm trùng. Lúc này, ngoài đau lưng về đêm, người bệnh còn có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn... Nếu nhiễm trùng kéo dài, có thể xuất hiện tình trạng thiếu máu, chóng mặt.
Ngoài ra, một số bệnh lý như thoái hóa khớp, viêm mấu khớp, viêm gân gan chân, nhiễm trùng cột sống, viêm đĩa đệm, áp xe tủy sống... cũng gây ra những cơn đau lưng về đêm.
Khi chưa có được sự tư vấn của bác sĩ, người bệnh có thể tạm thời giảm đau bằng các phương pháp tại nhà như chườm nóng hoặc chườm lạnh, xoa bóp, massage, lưu ý điều chỉnh đúng tư thế khi vận động cũng như nghỉ ngơi, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin, axit béo omega 3 và chất xơ...
Bác sĩ Tấn Vũ khuyến cáo, khi xuất hiện những cơn đau lưng bất thường kèm với các triệu chứng toàn thân, mức độ đau không giảm mà còn tăng lên khi nghỉ ngơi, đặc biệt là ở những người có tiền sử mắc bệnh ung thư thì nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ tư vấn. Phát hiện càng sớm, quá trình điều trị càng thuận lợi hơn, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.
Phi Hồng