Cơn đau xuất hiện vào buổi sáng lúc vừa thức dậy nhưng sẽ giảm bớt sau khi đi lại vài bước, đau có thể xuất hiện lại nếu đi lại nhiều hoặc đứng quá lâu. Theo BS.CKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm gân gan bàn chân.
Viêm gân gan bàn chân là một bệnh lý thường gặp, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành mạn tính, gây cản trở lớn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bên cạnh đó, các cơn đau có thể làm thay đổi dáng đi, dẫn đến những vấn đề về chân, đầu gối, hông và lưng.
Bác sĩ Xuân Thắng cho biết, một trong những phác đồ điều trị viêm gân gan bàn chân có hiệu quả cao và thường được ứng dụng là kết hợp giữa dùng thuốc giảm đau, kháng viêm với vật lý trị liệu. Trong đó, các phương pháp vật lý trị liệu được chia thành hai nhóm, bao gồm:
Dùng máy
Máy xung kích: Sóng âm do máy xung kích phát ra sẽ làm đứt đoạn các mao mạch nhỏ trong gân, giúp tái cấu trúc và hình thành các mạch máu mới. Từ đó, quá trình cung cấp máu được cải thiện, thúc đẩy vết thương ở gân nhanh lành hơn. Ngoài ra, sóng âm còn tác động lên các điểm đau và các mô cơ xương tổn thương, giúp tái tạo gân và các mô mềm.Sóng âm có khả năng làm tan những khối vôi hóa, loại bỏ tình trạng vôi hóa sinh học, nhờ đó, người bệnh có thể khôi phục khả năng vận động và đi đứng như bình thường.

Nhiều người bệnh cho biết cảm thấy giảm đau rõ rệt sau khi được điều trị bằng máy xung kích. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Laser công suất cao: Các tia laser không chỉ tác động vào chính xác vị trí viêm gân gan bàn chân mà còn xâm nhập sâu dưới da. Từ đó, các tác dụng chống viêm giảm đau được nâng cao, đặc biệt là khả năng tái tạo mô bị tổn thương.
Bài tập phục hồi chức năng
Kéo căng gan bàn chân: Người bệnh bắt đầu với tư thế ngồi dưới sàn, đặt chân khỏe trên mặt sàn. Co nhẹ đầu gối của chân đau, sao cho chỉ để gót chân chạm sàn. Sau đó dùng 2 tay kéo bàn chân bị đau về phía mình mà không di chuyển gót chân. Giữ nguyên tư thế này trong 5-10 giây rồi thả ra. Mỗi ngày, người bệnh nên thực hiện bài tập này 3 lần, mỗi lần 10 hiệp.
Xoa bóp vùng gót chân: Người bệnh đặt 2 bàn tay chồng lên nhau. Tại vị trí gân gan bàn chân (điểm đau ở gần gót chân), xoa bóp và đẩy ngang từ mép bên này sang mép bên kia của lòng bàn chân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xoa bóp và đẩy dọc theo chiều dài bàn chân. Bài tập này giúp thư giãn gân gan bàn chân, tăng cường tuần hoàn máu đến vùng viêm đau, giúp giảm đau và chống viêm tốt hơn. Người bệnh nên thực hiện xoa bóp 10 phút mỗi lần, mỗi ngày 2 lần.

Bác sĩ Xuân Thắng hướng dẫn động tác xoa bóp vùng gót chân. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Thư giãn vùng gan bàn chân: Người bệnh ngồi trên cao, đặt một chai nước giữa chân và sàn nhà. Sau đó dùng gan bàn chân lăn dọc chai nước từ lòng bàn chân đến gót chân. Động tác này cũng nên được thực hiện 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 5-10 phút.
Bác sĩ Xuân Thắng chia sẻ thêm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm gân gan bàn chân, người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp điều trị khác như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc phẫu thuật. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kịp thời điều trị, ngăn bệnh phát triển.
Phi Hồng