Viêm cân gan bàn chân (hay viêm gân gan bàn chân) là tình trạng viêm của cân bàn chân, gây đau gót chân. Cân gan bàn chân là dải gân cơ bám từ các chỏm xương bàn tới xương gót, giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Cân gan bàn chân còn giúp giảm nhẹ trọng lực dồn lên bàn chân khi vận động, nhờ đó việc di chuyển dễ dàng hơn, bảo vệ tốt các khớp.
Tình trạng cân gan bàn chân tác động tiêu cực tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Đây là bệnh thường gặp, đặc biệt ở nam giới trung niên, vận động viên và người lao động nặng. Phần lớn trường hợp viêm có gai xương kèm theo.
Khi mắc bệnh viêm cân gan chân, người bệnh sẽ trải qua cơn đau dữ dội sau mỗi buổi sáng hoặc khi đi bộ và vận động nhiều. Nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn các cơn đau có thể phát triển chậm theo thời gian hoặc đến đột ngột sau khi hoạt động mạnh. Dưới đây là những nguyên nhân gây nên bệnh viêm cân gan chân.
Béo phì
Không chỉ tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, tình trạng thừa cân còn là nguyên nhân gây viêm cân gan chân. Theo các nhà khoa học, béo phì sẽ gây nhiều áp lực và căng thẳng cho cơ bắp hơn so với trọng lượng cơ thể bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ cần tăng 0,5kg trọng lượng cơ thể cũng gây áp lực lên đầu gối, hông và mắt cá chân lên đến 3,6kg. Nếu leo cầu thang, áp lực còn tăng lên gấp 4-6 lần.
Mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân bởi gánh nặng cơ thể và sự lỏng lẻo của việc thư giãn quá mức ở hông và xương chậu. Cả hai yếu tố này là nguyên nhân gây nên tình trạng bàn chân bẹt - một trong những dấu hiệu gây nên bệnh viêm cân gan chân. Khi di chuyển, phần cạnh trong của bàn chân (vòm chân) có khuynh hướng áp sát xuống đất, khiến bàn chân rơi vào tình trạng viêm cân gan chân. Bệnh này thường dễ xuất hiện trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba.
Đi giày không hỗ trợ chân
Dép xỏ ngón, sandal và giày lười là những loại giày dép được ưa chuộng vào mùa hè. Tuy nhiên, chúng có thể khiến bàn chân có nguy cơ bị đau gót chân và viêm cân gan chân. Theo các nhà khoa học, dép hoặc sandal thường có bề mặt phẳng. Do đó chúng sẽ không có tác dụng nâng đỡ nếu cơ thể vận động mạnh hoặc di chuyển nhiều. Ngoài ra, việc đi dép cũng làm các cơ bắp chân bị căng thẳng quá mức.
Đứng lâu trong thời gian dài
Việc ngồi hoặc đứng trong thời gian dài sẽ góp phần làm hao mòn cơ bắp chân. Đặc biệt, nếu đứng trên bề mặt cứng như nhựa đường hoặc bê tông sẽ làm tình trạng viêm cân gan chân thêm trầm trọng. Để cải thiện, hãy dành vài phút đứng lên ngồi xuống để thư giãn gân khớp hoặc đi lại trong phạm vi ngắn.
Gặp chấn thương khác
Các chấn thương thường gặp ở chân như mắt cá, bàn chân cũng có thể gây bùng phát bệnh viêm cân gan chân. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu người bệnh thường đau ở bắp chân sẽ tạo áp lực cho bàn chân và làm trầm trọng thêm bệnh viêm cân gan chân.
Hướng điều trị
Theo các chuyên gia y tế, hơn 90% người bị viêm cân gan chân sẽ mau chóng cải thiện tình trạng trong 10 tháng. Tuy nhiên, người bệnh không nên lơ là mà hãy điều trị bằng các biện pháp làm giảm tình trạng viêm như sau.
Thực hiện các bài tập giãn cơ: Những bài tập như gắp bi, kéo giãn cơ lòng bàn chân, uốn chân hay nhặt khăn là các giải pháp giúp đỡ rất tốt trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh viêm cân gan chân tái phát.
Mang giày phù hợp: Người mắc bệnh viêm cân gan chân nên chọn giày có đệm mút để giảm kích ứng các mô bị viêm và giảm căng thẳng trên cơ bàn chân. Không mang dép hoặc giày sandal nếu đi bộ nhiều.
Chườm đá: Mỗi ngày, người bệnh nên thực hiện biện pháp chườm đá lên lòng bàn chân khoảng ba đến bốn lần mỗi ngày với thời gian từ 10 đến 15 phút.
Giảm áp lực cho chân: Trong những tháng đầu tiên, người bệnh nên cố gắng tránh đứng trong thời gian dài. Hãy nghỉ ngơi khi có thể và dùng gối nâng cao chân trước khi ngủ.
Huyền My (Theo Verywell Health, Cleveland Clinic)