BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, Khoa Phục hồi chức năng - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết khi ngủ, bàn chân của người bệnh ở tư thế gấp về phía gan bàn chân trong suốt đêm, làm cho cân gan chân bị co ngắn lại. Vì vậy khi thức dậy và đặt bước chân đầu tiên xuống đất, cân gan chân bị kéo căng, gây đau nhiều. Cảm giác đau có thể lan tỏa ra cả lòng bàn chân. Trong các bước kế tiếp, cơn đau sẽ giảm bớt dần nhưng có khả năng xuất hiện trở lại nếu người bệnh đi lại nhiều hoặc đứng lâu. Ngoài ra, người bệnh còn có thể nhận thấy tình trạng sưng, bầm tím ở gan bàn chân.
Bệnh khởi phát do người bệnh di chuyển nhiều, đứng lâu hay mang giày dép có phần đế quá cứng trong thời gian dài làm cho cơ gan bàn chân bị kéo căng, mất tính đàn hồi và giảm khả năng chịu lực. Các cơn đau gót chân có thể dẫn tới sự thay đổi về dáng đi, ảnh hưởng đến cấu trúc các khớp ở chân, đầu gối, hông, lưng.

Đau bàn chân khi thức dậy là dấu hiệu đặc trưng của viêm cân gan bàn chân. Ảnh: Freepik
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
Điều trị bảo tồn
Đây là phương pháp kết hợp giữa dùng thuốc, tập vật lý trị liệu và chăm sóc tại nhà. Theo đó, người bệnh sẽ được kê đơn các loại thuốc chống viêm không steroid để chống viêm và giảm đau nhanh.
Đối với vật lý trị liệu, người bệnh có thể thực hiện dễ dàng tại nhà chỉ với một chiếc ghế. Bài tập này bắt đầu bằng tư thế ngồi gác chân đau lên chân lành, sau đó nắm lấy ngón cái của chân đau kéo nhẹ về phía mình, giữ trong khoảng 15 – 30 giây. Lặp lại động tác này 3 lần rồi thực hiện tương tự với chân còn lại.
Hoạt động chăm sóc tại nhà bao gồm dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế vận động chân khi có dấu hiệu đau. Trong trường hợp cần thiết, hãy đeo nẹp chỉnh hình theo hướng dẫn của bác sĩ để phân bố đều áp lực xuống chân khi đứng hoặc thực hiện những hoạt động yêu cầu sử dụng chân nhiều. Ngoài ra, để hạn chế gây áp lực lên bàn chân, người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống và tập luyện.
Nhằm giảm viêm và sưng đau, người bệnh có thể chườm lạnh khoảng 15 phút mỗi lần, mỗi ngày thực hiện từ 3 - 4 lần. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh đi chân trần hoặc mang những loại giày dép có đế cứng, thay vào đó, nên chọn giày dép vừa vặn, đế mềm, miếng lót dày, độ cao khoảng 3cm để hỗ trợ nâng đỡ vòm chân.
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Liệu pháp này sử dụng máu tự thân của người bệnh để tạo thành một chế phẩm sinh học. Chế phẩm này khi được tiêm vào khu vực bị tổn thương sẽ giúp vùng này nhận được lượng lớn những yếu tố tăng trưởng để tái tạo và phục hồi những mô đã hư hỏng.

Huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp điều trị ít xâm lấn, có tính an toàn cao. Ảnh: Freepik
Liệu pháp sóng xung kích
Đây là phương pháp sử dụng sóng âm để tác động lên các điểm đau và các mô cơ xương tổn thương, qua đó thúc đẩy tiến trình làm lành vết thương, tái tạo gân và các mô mềm, cải thiện tình trạng đau sưng và viêm. Ngoài ra, sóng âm trong máy xung kích còn có khả năng làm tan những khối vôi hóa. Từ đó, người bệnh có thể khôi phục khả năng vận động và đi lại như bình thường.
Phẫu thuật
Vì tồn tại một số nguy cơ như đau mạn tính hoặc tổn thương dây thần kinh nên phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng trong điều trị viêm cân gan bàn chân. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho các trường hợp đau dữ dội hoặc kéo dài trên 6 tháng, điều trị nội khoa thất bại.
Bác sĩ Hồng Ánh khuyến cáo, viêm cân gan bàn chân là tình trạng thường gặp, tạo ra các cơn đau nhói vô cùng khó chịu, có thể ảnh hưởng đến khả năng đi lại và vận động của người bệnh. Do đó, ngay khi có dấu hiệu bất thường ở bàn chân, người nên đi thăm khám càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Phi Hồng