ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay là tình trạng xương dưới sụn, sụn khớp bàn tay, ngón tay bị mài mòn và viêm, gây cứng khớp, khó vận động, dẫn tới các cơn đau nhức nghiêm trọng. Khi bị thoái hóa nặng, hai đầu xương sẽ va vào nhau, gây biến dạng khớp.
Theo thời gian, cơn đau sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh, sử dụng khớp ngón tay nhiều... Những tổn thương làm cho quá trình tiết dịch nhầy bôi trơn trong khớp bị giảm mạnh, dẫn đến triệu chứng cứng khớp. Tay của người bệnh sẽ mất tính linh hoạt, gặp khó khăn khi uốn cong hoặc duỗi các khớp ngón tay.
Các cơn cứng khớp thường nghiêm trọng vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau khi không sử dụng tay trong một thời gian. Khi cử động bàn tay, người bệnh có thể nghe thấy tiếng lục cục tại các khớp. Âm thanh này chính là do các đầu xương ma sát vào nhau ở khớp có sụn bị thoái hóa. Tình trạng sưng đỏ cũng xuất hiện khi thoái hóa khớp kích hoạt các phản ứng viêm. Khi bệnh phát triển nặng, thoái hóa làm biến dạng khớp, hình thành những khối xương, phình to xung quanh hoặc trên khớp.
Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay có thể xảy ra do:
Chấn thương: Sau chấn thương, sự liên kết giữa những khớp xương trở nên lỏng lẻo, khớp trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn. Ngoài ra, chấn thương còn làm xương bị suy yếu, chịu nhiều áp lực, tăng nguy cơ thoái hóa, đặc biệt là ở khớp ngón tay và khớp nhỏ tại bàn tay. Trường hợp chấn thương bàn tay, ngón tay như trật khớp hay gãy xương, mặc dù đã chữa lành vẫn có khả năng bị thoái hóa khớp ngón tay và khớp nhỏ bàn tay.
Tính chất công việc: Những người sử dụng bàn tay nhiều khi làm việc rất dễ bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay. Khi bị thoái hóa, các khớp bên tay thuận, tay vận động nhiều hơn sẽ có biểu hiện nặng hơn, biến dạng nghiêm trọng hơn.
Lão hóa tự nhiên: Khi càng lớn tuổi, quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra càng nhanh. Thoái hóa khớp thường xuất hiện ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên. Lúc này, lượng máu nuôi dưỡng khớp bị giảm sút, bao khớp bị thiếu chất nhầy và dịch khớp bị khô. Tình trạng này làm sụn bị bào mòn, các đầu xương khớp tăng ma sát, va chạm vào nhau gây đau, đồng thời làm hình thành nhiều gai xương nhỏ.
Các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, rối loạn chuyển hóa... cũng có thể gây thoái hóa khớp. Với người lớn tuổi, nguyên nhân gây thoái hóa còn là do ít vận động cơ thể.
Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh vẫn có thể được kiểm soát bằng thuốc và một số biện pháp hỗ trợ khác. Bác sĩ Tú cho biết, khi xuất hiện các triệu chứng của thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay, người bệnh nên tránh vận động vùng khớp bị đau. Thực hiện chườm nóng xen kẽ với chườm lạnh để thư giãn các mô khớp, giảm đau và sưng viêm.
Dù không phải là một bệnh lý quá mức nguy hiểm nhưng nếu không được kiểm soát tốt, thoái hóa khớp có thể làm phát sinh nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như viêm khớp ngón tay, gai xương, biến dạng bàn tay, tàn phế, hoại tử xương, nhiễm trùng khớp, suy hóa gân và dây chằng quanh khớp... Do đó, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy ngón tay và bàn tay thường xuyên bị đau nhức, sưng, viêm, khó chịu.
Phi Hồng