Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các khớp khỏe mạnh. Đây là một chứng rối loạn mạn tính xảy ra phổ biến ở người cao tuổi, tuy nhiên, bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường có các triệu chứng như đau, sưng, cứng khớp. Nếu không điều trị sớm, tổn thương và biến dạng khớp do bệnh lý này gây ra có thể để lại hậu quả là khó cử động bàn tay, cổ tay, đầu gối, hông. Viêm khớp dạng thấp còn được coi là một bệnh hệ thống do ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác trên cơ thể ngoài khớp như da, mạch máu, phổi, mắt, tim.
Nhằm khắc phục tình trạng đau, sưng khớp do viêm khớp dạng thấp gây ra, người bệnh cần luyện tập thường xuyên nhằm ngăn chặn cảm giác mệt mỏi, duy trì sức mạnh, giữ xương chắc khỏe. Một chương trình tập thể dục toàn diện cho người bệnh viêm khớp dạng thấp thường bao gồm các bài tập kéo giãn cơ, điều hòa hoạt động của cơ thể và tăng cường sức mạnh.
Dưới đây là 10 bài tập giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả.
Giãn cơ
Cứng khớp là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, thường xuất hiện vào sáng sớm hoặc sau khi ngồi lâu một chỗ. Cứng khớp có thể ảnh hưởng tới bàn tay, cổ tay, mắt cá chân, đầu gối và khuỷu tay.
Người bệnh nên thực hiện các động tác kéo giãn khớp khi thức dậy vào buổi sáng. Theo đó, khi ngủ dậy bệnh nhân nắm tay, duỗi thẳng các ngón tay, gập cổ tay về phía trước và phía sau. Sau đó uốn cong, duỗi thẳng khuỷu tay, xoay mắt cá chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Khi nằm ngửa, người tập có thể đưa gót chân về phía mông, thả lỏng rồi duỗi thẳng đầu gối.
Đi bộ
Đây là bài tập tác động thấp có thể cải thiện hoạt động của khớp, tránh mệt mỏi, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc 5 lần/tuần có thể đạt được thời gian vận động theo khuyến cáo của các chuyên gia là 150 phút mỗi tuần. Người tập cũng nên thực hiện các bài tập rèn luyện sức mạnh cho các nhóm cơ chính trên cơ thể ít nhất 2 lần/tuần.
Ngoài ra, đi bộ có thể cải thiện chức năng, hoạt động tình dục ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Thái cực quyền
Đây là một hình thức võ thuật tập trung vào các chuyển động chậm của cơ thể, duy trì tư thế để hít thở sâu và thư giãn. Thái cực quyền thường được sử dụng để cải thiện sự cân bằng, sức mạnh trong cơ thể, giảm đau cơ xơ hóa, viêm xương khớp.
Yoga
Tập yoga thường xuyên có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, tăng tính linh hoạt, giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, tâm trạng. Người tập có thể thực hiện các động tác yoga theo video hướng dẫn tại nhà. Trường hợp khớp bị tổn thương nhiều cần có huấn luyện viên hướng dẫn tập yoga tại studio nhằm đảm bảo an toàn.
Pilates
Pilates là một hình thức tập thể dục tập trung vào việc cải thiện tư thế, sức mạnh, khả năng phối hợp, mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí. Các bài tập pilates giúp bệnh nhân viêm khớp dạng thấp giảm căng thẳng khi vận động. Bệnh nhân có thể tập pilates tại nhà hoặc phòng tập.
Thể dục nhịp điệu dưới nước
Tập thể dục nhịp điệu dưới nước và bơi lội là cách giúp vận động hiệu quả với người bị đau khớp do viêm khớp dạng thấp. Trong quá trình tập luyện dưới nước, trọng lượng cơ thể giảm giúp các khớp không chịu nhiều áp lực. Người tập có thể tập các động tác thể dục nhịp điệu với phao bơi. Hồ bơi thường được làm nóng giúp người bệnh viêm khớp giảm đau nhức và cứng khớp.
Đạp xe
Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường xuyên đạp xe có thể cải thiện chức năng tim mạch. Người tập có thể lựa chọn đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ để vận động khớp chân nhẹ nhàng.
Tập tạ
Viêm khớp dạng thấp có thể gây mất khối lượng cơ. Tuy nhiên, nghiên cứu về tác dụng của việc rèn luyện sức đề kháng với việc hạn chế lưu lượng máu tới sức mạnh cơ bắp, phì đại cơ bắp và chức năng ở bệnh nhân viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp do các chuyên gia của Khoa Thấp khớp, Bệnh viện de Clínicas de Porto Alegre, Đại học Liên bang do Rio Grande do Sul (UFRGS) (Brazil), thực hiện năm 2021 cho thấy bệnh nhân viêm khớp dạng thấp tập luyện sức mạnh ở bất kỳ cường độ nào có thể cải thiện khối lượng cơ và sức mạnh.
Tập luyện bằng cách nâng tạ, dùng dây kháng lực ít nhất hai lần một tuần, tập trung vào các cơ chính trên cơ thể có thể cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Tập tay
Viêm khớp dạng thấp gây tổn thương ở các khớp bàn tay, ngón tay dẫn đến đau nhức, cứng khớp ngón tay, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nhằm khắc phục triệu chứng cứng khớp, bệnh nhân có thể thực hiện bài tập tay bằng cách chạm đầu ngón tay cái vào đầu mỗi ngón tay.
Sau đó, đặt lòng bàn tay trên mặt phẳng, nhấc từng ngón tay lên rồi hạ xuống, uốn cong các ngón tay từ khớp ở đầu ngón tay đến khi tạo thành nắm tay, duỗi thẳng các ngón tay ra phía sau.
Làm vườn
Các hoạt động khi làm vườn là cách tập thể dục hiệu quả với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Nếu bê đồ vật nặng, các khớp bị đau có thể bị ảnh hưởng khiến triệu chứng đau gia tăng hoặc bùng phát. Do đó, khi làm vườn hoặc làm việc nhà, người bệnh cần mang vật dụng cần thiết gần cơ thể, nghỉ giải lao sau 30 phút, ngồi trên ghế, dùng các công cụ có tay cần nhằm giảm áp lực lên khớp tay.
Dù tập thể dục giữ vai trò quan trọng nhằm duy trì chức năng khớp, nhưng tập thể dục quá nhiều hoặc quá sức có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng. Vì thế, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần tránh những bài tập nặng gây đau hoặc mỏi cơ.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)