Tổn thương gan do thuốc (nhiễm độc gan do thuốc) là phản ứng cấp tính hoặc mạn tính đối với hợp chất tự nhiên hoặc được sản xuất như thuốc tân dược, thuốc có nguồn gốc từ thực vật, thực phẩm chức năng. Tình trạng này có thể xảy ra từ 5-90 ngày kể từ khi dùng thuốc.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan như suy gan cấp tính, viêm gan. Hơn 1.000 loại thuốc và các hợp chất thảo dược có thể gây nhiễm độc gan do thuốc. Những thuốc hay gặp như thuốc giảm đau hạ sốt acetaminophen, amoxicillin-clavulonate, thuốc điều trị lao, thuốc hạ mỡ máu... Tổn thương gan do thuốc gây ra khoảng 20-40% tổng số trường hợp suy gan cấp. Khoảng 75% ca bệnh nặng cần ghép gan hoặc tử vong.
Tiến sĩ Khanh giải thích, thuốc có thể gây hại cho gan ở những người nhạy cảm do yếu tố nguy cơ về di truyền và môi trường. Các yếu tố nguy cơ làm thay đổi quá trình chuyển hóa và bài tiết của tác nhân gây bệnh, dẫn đến căng thẳng tế bào, chết tế bào, kích hoạt phản ứng miễn dịch làm tổn thương gan. Tổn thương gan do thuốc có các triệu chứng nghèo nàn, thường xác định bệnh thông qua xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận biết dựa vào dấu hiệu lâm sàng suy giảm chức năng gan như dưới đây.
Hơi thở có mùi
Vệ sinh răng miệng thường xuyên nhưng hơi thở vẫn có mùi hôi. Triệu chứng này có thể gan đã bị tổn thương nặng, gây suy gan do thuốc. Tình trạng hơi thở có mùi do tổn thương cơ quan này, ứ đọng khí dimethyl sulfide, acetone, 2-butanone and 2-pentanone...
Vàng da, vàng mắt và nước tiểu sẫm màu
Tổn thương gan nếu không được phát hiện sớm có thể gây suy gan, khiến lượng sắc tố bilirubin tích tụ trong máu, ngấm vào các mô như da và mắt, gây vàng da, vàng mắt. Bilirubin là sản phẩm của quá trình phá vỡ hồng cầu, khi gan có chức năng bình thường sẽ đào thải bilirubin qua đường mật.
Tế bào gan bị tổn thương khiến bilirubin không được thu nhận, đào thải gây ứ đọng trong máu, tích tụ tại niêm mạc khiến da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng. Khi bilirubin máu tăng cao sẽ đào thải ra nước tiểu làm nước tiểu vàng sẫm như nước chè đặc.
Triệu chứng giả cúm
Gan tổn thương do thuốc khiến bạn có thể xuất hiện các triệu chứng giả cúm như đau đầu, sốt, đau cơ, đau khớp...
Rối loạn tiêu hóa
Gan sản xuất dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn. Khi gan nhiễm độc, dịch mật không sản xuất đủ dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, táo bón...
Mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay
Mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt là các triệu chứng dễ nhận biết khi cơ quan này bị tổn thương do thuốc. Chức năng gan suy giảm khiến việc đào thải chất độc hạn chế, độc tố tích tụ xâm nhập vào da là nguyên nhân gây mẩn ngứa, nổi ban lan rộng, xuất hiện mụn nhọt...
Đắng miệng, chán ăn
Gan bị viêm cấp tính do nhiễm độc thuốc gây ứ mật khiến người bệnh có cảm giác đắng miệng. Chức năng gan suy giảm làm cho khả năng chuyển hóa và tiết mật cũng giảm, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn.
Theo Tiến sĩ Khanh, phương pháp điều trị chính cho tổn thương gan do thuốc là loại bỏ tác nhân gây ra. Chẩn đoán bệnh là một thách thức vì dấu hiệu nhận biết dễ nhầm lẫn với bất kỳ tình trạng gan mật cấp tính hoặc mạn tính như viêm gan do virus (A, B, C, D, E), viêm gan do thiếu máu cục bộ, viêm gan tự miễn, bệnh Wilson, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), viêm gan do rượu, bệnh về mật... Khi tổn thương gan chưa quá nặng, bệnh nhân thường diễn biến tốt sau khi ngừng thuốc, khả năng hồi phục khoảng 90%. Nhưng cũng có loại thuốc gây tổn thương gan tiến triển thành bệnh gan mạn tính như dùng methotrexate.
Tiến sĩ Khanh khuyên, để phòng ngừa, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Mọi người không nên dùng thuốc khi không cần thiết, nhất là các loại thực phẩm chức năng không rõ ràng về nguồn gốc và tác dụng. Các loại thuốc trong danh mục khuyến cáo có thể gây tổn thương gan cần theo dõi kỹ để phát hiện và điều trị kịp thời.
Lục Bảo