Vàng da, vàng mắt là hậu quả của việc tích tụ quá nhiều bilirubin trong máu. Bilirubin là một chất có sắc tố vàng được hình thành khi hemoglobin (một phần của tế bào hồng cầu, chịu trách nhiệm vận chuyển oxy) bị phá vỡ trong quá trình sửa chữa và sản sinh tế bào hồng cầu mới. Bilirubin đi theo máu đến gan, vào đường tiêu hóa và cuối cùng là đào thải ra khỏi cơ thể.
Khi cơ thể hoạt động bất thường, tốc độ phá hủy của các tế bào hồng cầu tăng nhanh, dẫn đến tăng sinh bilirubin. Lúc này, trong quá trình đào thải, bilirubin không thể di chuyển đủ nhanh qua gan và ống mật, sẽ tích tụ lại trong máu và lắng đọng ở da. Kết quả là vàng da, vàng mắt.
Theo bác sĩ Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, hai nhóm bệnh nhân vàng da, vàng mắt thường gặp nhất là hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh và nhóm các bệnh lý liên quan đến gan. Đối với những bệnh lý về gan, các virus gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em như virus viêm gan A, B, C, E; virus gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân như Epstein-Barr, Cytomegalo; Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu và biến chứng viêm gan, virus Adeno gây cảm lạnh, viêm amidan, viêm tai...
"Khi những virus này xâm nhập vào cơ thể, làm tổn thương tế bào gan. Lúc này, gan không sản sinh kịp men gan để làm biến đổi cấu trúc bilirubin thành dạng hòa tan trong nước. Vì vậy, các tế bào gan không thể phân phối bilirubin vào ống mật, bilirubin không thể trở thành một phần của dịch mật, không thể tiếp tục đào thải ra ngoài mà tích tụ lại trong máu, gây ra hiện tượng và da, vàng mắt", bác sĩ Quỳnh Ngân giải thích thêm.
Các bệnh gan ở trẻ có triệu chứng vàng da, vàng mắt
Dưới đây là một số bệnh lý gan ở trẻ gây ra hiện tượng vàng da và vàng mắt.
Viêm gan A ở trẻ em
Loại viêm gan này thường lây lan qua đường tiếp xúc phân - miệng hoặc đường máu (hiếm gặp). Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến và ăn uống, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc... Các dấu hiệu bệnh thường gặp như sốt, khó chịu, chán ăn, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, phân nhạt màu (thường có màu xám), nước tiểu đậm màu, vàng da và vàng mắt...
Viêm gan B ở trẻ em
Trẻ có thể mắc bệnh nếu vết thương hở của trẻ tiếp xúc với máu của người bệnh hoặc trẻ sơ sinh bị lây nhiễm do mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc lúc sinh. Một số trường hợp viêm gan B ở trẻ em xuất hiện do lây nhiễm trong nhà mẫu giáo, trong gia đình do trầy xướt, vết thương da. Trong một số trường hợp, khi trẻ mắc bệnh viêm gan B có nguy cơ cao phát triển thêm bệnh gan mạn tính và suy gan. Các dấu hiệu bệnh thường gặp như vàng da, trẻ chậm chạp, kém đáp ứng, chậm tăng cân, chướng bụng, phân màu đất sét...
Viêm gan C ở trẻ em
Cũng như viêm gan B, viêm gan C ở trẻ em lây lan qua tiếp xúc với máu của người bệnh và truyền từ mẹ sang con. Mặc dù viêm gan C có các triệu chứng nhẹ nhưng bệnh thường có xu hướng phát triển thành mạn tính. Các dấu hiệu bệnh thường gặp như sốt nhẹ, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau khớp, vàng da, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu...
Gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Bác sĩ Ngân cho biết, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em thường là gan nhiễm mỡ không do rượu thường do tăng cân nhanh, ăn thức ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh và ít vận động. Bệnh xảy ra do sự tích tụ chất béo dư thừa trong gan, có thể dẫn đến viêm và tổn thương tế bào gan. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Bệnh thường gặp ở trẻ thừa cân, béo phì. Các dấu hiệu bệnh thường gặp như mệt mỏi, khó chịu ở vùng thượng vị phải. Nếu nặng hơn, trẻ có thể bị vàng da, đau bụng, ói mửa, buồn nôn và gan phình nhẹ...
Suy gan cấp ở trẻ em
Đây là bệnh lý hiếm gặp, phức tạp, tiến triển nhanh và nguy hiểm đến tính mạng. Đa số các trường hợp suy gan cấp ở trẻ em không rõ nguyên nhân, mặc dù bệnh có liên quan đến các tình trạng như rối loạn chức năng miễn dịch, nhiễm trùng, uống thuốc quá liều... Các dấu hiệu bệnh thường gặp như đau bụng, luôn cảm thấy mệt mỏi, nôn nao. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành vàng da, bệnh não và rối loạn đông máu.
Xơ gan ở trẻ em
Xơ gan là bệnh gan tiến triển, trong đó mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh. Khi mô sẹo hình thành, gan dần trở nên cứng và cản trở lưu thông máu, làm chậm quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, gan sẽ ngừng hoạt động và trẻ cần được ghép gan. Bệnh xơ gan ở trẻ có thể là do di truyền, bệnh Wilson hoặc viêm gan tự miễn... Các dấu hiệu bệnh thường gặp mệt mỏi, sình bụng, chán ăn, sụt cân, phình gan, phình lá lách, vàng da, vàng mắt...
Viêm gan tự miễn ở trẻ em
Viêm gan tự miễn ở trẻ em là một bệnh hiếm gặp và nghiêm trọng. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp trục trặc. Lúc này, thay vì tấn công vi khuẩn, các tế bào lạ..., hệ thống miễn dịch lại tấn công các tế bào gan bình thường. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tổn thương gan lâu dài như xơ gan và suy gan. Các dấu hiệu bệnh thường gặp như mệt mỏi, phân nhạt màu, buồn nôn, ngứa, phình gan, phình lá lách, vàng da, vàng mắt...
Theo bác sĩ Ngân, các bệnh lý về gan ở trẻ em có những dấu hiệu chung như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, phân nhạt màu, nước tiểu sậm màu, vàng da... Phụ huynh nên cho trẻ thăm khám ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường, để kịp thời điều trị và ngăn ngừa biến chứng.
Viêm gan bí ẩn
Viêm gan bí ẩn là bệnh lý về gan ở trẻ em có xu hướng bùng phát trong thời gian gần đây. Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh nhưng theo các chuyên gia y tế nghi ngờ "thủ phạm" có thể là virus Adeno. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng, trẻ cần phải ghép gan hoặc thậm chí là tử vong. Các dấu hiệu của bệnh lý này tương tự viêm gan cấp tính như mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, đau bụng trong vòng 3-10 ngày đầu tiên, sau đó xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu...
Phi Hồng