ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết RSV là virus gây nhiễm trùng phổi, đường hô hấp ở mọi nhóm tuổi, hay gặp nhất ở trẻ. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp nhiễm virus.
Người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như bắt tay, ăn uống, hôn; hoặc hít phải giọt bắn chứa virus phát tán trong không khí do người bệnh ho, hắt hơi có thể nhiễm bệnh. Virus có thể tồn tại nhiều giờ trên các vật dụng khác nhau.
Biểu hiện của bệnh giống như cảm lạnh nên dễ nhầm lẫn. Người bệnh có thể chảy mũi trong, ho khan, hắt hơi, đau họng, sốt, giảm cảm giác thèm ăn, khó thở. Những dấu hiệu này có thể cảm nhận được sau 4-6 ngày nhiễm virus.
Các triệu chứng xuất hiện theo từng giai đoạn chứ không đến cùng lúc, có xu hướng nặng dần. Thông thường biểu hiện bệnh nhẹ trong hai ngày đầu, ba ngày tiếp theo nặng nhất, đến ngày thứ 6 giảm dần và 7-10 ngày sẽ khỏi hẳn. Các triệu chứng đôi khi phụ thuộc vào tuýp virus. Chẳng hạn RSV tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng, tuýp 2 chỉ gây sốt nhẹ, có thể không sốt.
Virus RSV khi vào cơ thể qua đường mũi gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Virus có thể làm tổn thương phế nang, ứ khí, hoại tử tế bào đường hô hấp. Từ đó gây ra các biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm tiểu phế quản, viêm các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Hiếu dẫn ra nghiên cứu đăng trên Tạp chí Vi sinh lâm sàng và bệnh nhiễm trùng châu Âu cho thấy trên 1.160 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm RSV, có 24,6% bệnh nhân cần nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU), 6,6% người tử vong. Ước tính gây ra 1/50 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và 1/28 ca tử vong ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Những dấu hiệu cảnh báo người nhiễm RSV diễn tiến nặng gồm mệt nhiều, li bì; sốt cao khó hạ; thở nhanh, trẻ có tiếng thở bất thường, môi tím; ăn kém, không đủ 80% lượng ăn bình thường; nồng độ oxy máu giảm dưới 95%. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng nhập viện để điều trị.
Virus RSV có thể tồn tại ở đường hô hấp của cả người bệnh lẫn người lành mang virus trong vòng hai tuần. Ở người suy giảm miễn dịch, RSV có thể tồn tại đến 6 tuần.
Bác sĩ Hiếu cho biết người bệnh nhiễm trùng hô hấp do RSV thường được điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể để có biện pháp hạ sốt phù hợp. Uống đủ nước giúp đề phòng mất nước, loãng dịch đờm, giảm bít tắc đường hô hấp. Trẻ có thể uống nước lọc ấm, nước ép trái cây, nước canh, sữa; tăng cữ bú nếu trẻ nhỏ còn bú mẹ. Ưu tiên đồ ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp... và chia làm nhiều bữa trong ngày để đảm bảo năng lượng cần thiết cho trẻ.
Nếu trẻ có các biểu hiện mệt lả, li bì; sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cha mẹ cần đưa con nhập viện ngay.
Sống lành mạnh là cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh chủ động. Nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch nước sát khuẩn trong ít nhất 20 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, xì mũi, trở về từ nơi công cộng.
Tránh sờ tay lên mặt, mắt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch. Thường xuyên sử dụng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần gũi như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống... với người khác nếu bản thân hoặc người đó đang có dấu hiệu mắc bệnh. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau chùi các bề mặt dùng chung như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa bằng dung dịch cồn sát khuẩn.
Trời lạnh cần giữ ấm cơ thể. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh xa khói thuốc lá, hạn chế đưa trẻ nhỏ tới nơi đông người vào mùa dịch. Ngoài vệ sinh mũi họng hàng ngày, mỗi người cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |