Những ngày giáp Tết, lượng bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tăng trung bình 10-15%. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp đồng mắc một số loại virus hoặc vi khuẩn, phải nhập viện điều trị.
TS.BS Đỗ Thị Hạnh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích mùa đông xuân, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ giảm thấp hơn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Nhiệt độ bên trong mũi xuống 5 độ C làm tổn thương hơn một nửa tế bào chống virus và vi khuẩn trong mũi.
Vào dịp Tết, trẻ có thể thay đổi nếp sinh hoạt so với ngày thường, đi du lịch, du xuân cùng gia đình, đến các nơi vui chơi đông người nên có nguy cơ tiếp xúc với nhiều nguồn lây bệnh. Dưới đây là một số bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ thời điểm này.
Cúm
Không khí lạnh, độ ẩm cao trong dịp Tết Nguyên đán ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch đường hô hấp, khiến virus cúm dễ dàng xâm nhập hơn. Cúm có thể diễn tiến nhanh, dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường.
Tỷ lệ nhiễm với các chủng virus cúm rất cao, có thể lên tới 90% ở người lớn và trẻ em, theo bác sĩ Hạnh. Khi nhiễm bệnh, trẻ xuất hiện biểu hiện sốt trên 38 độ C, đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, ăn không ngon, mệt mỏi, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho. Bệnh có thể biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản phổi...
Viêm tiểu phế quản
Bệnh thường gặp vào mùa lạnh ở trẻ dưới 24 tháng tuổi do virus hợp bào hô hấp (RSV), chiếm 30-50% các trường hợp mắc bệnh. Thời điểm trẻ hay mắc từ giữa tháng 11 đến tháng 4, cao điểm vào tháng 1, 2.
Các virus xâm nhập vào đường thở gây viêm, hoại tử, xuất tiết, tắc nghẽn đường thở. Trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy mũi trong, khò khè, thở rít, phổi có tiếng rít. Hầu hết trẻ khỏi bệnh sau 3-5 ngày, tuy nhiên trường hợp nặng có thể sốt cao liên tục, li bì, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp. Độ bão hòa oxy máu thấp dưới 92-93% cần điều trị tại cơ sở y tế.
Viêm thanh quản cấp
Viêm thanh quản cấp xảy ra quanh năm, nhưng mùa mưa, ẩm ướt, lạnh, rét, bệnh dễ xuất hiện hơn do trẻ nhỏ khó thích ứng với thời tiết và độ ẩm thay đổi đột ngột. Ngày Tết, trẻ đi đường xa, di chuyển nhiều, tiếp xúc với khói nhang, lông động vật, phấn hoa, khói thuốc cũng là một trong những nguyên nhân dễ mắc bệnh.
Bệnh tiến triển khác nhau ở từng trường hợp, có thể tự giảm sau vài ngày. Trong trường hợp nặng, tình trạng khó thở thanh quản ngày càng tăng, trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm phổi
Thời tiết lạnh kéo dài và dự báo tiếp tục rét tăng cường vào Tết Nguyên đán là nguyên nhân khiến nhiều trẻ viêm phổi. Những ngày Tết, một số gia đình cho trẻ đi chơi xa bằng xe máy và để trẻ ngồi trước nên dễ bị hạ thân nhiệt do lạnh, nhiễm bệnh.
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí. Tùy thuộc vào lứa tuổi, nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ chỉ định cho trẻ uống hoặc tiêm kháng sinh và các thuốc điều trị hỗ trợ khác.
Viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, nhất là vào thời điểm giao mùa, tiếp xúc với nhiều yếu tố gây dị ứng như khói thuốc lá, bụi nhà, phấn hoa... ngày Tết. Sau 5-7 ngày nhiễm khuẩn đường hô hấp, trẻ có thể biểu hiện sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau sau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng...
Nếu trẻ không được điều trị triệt để, viêm mũi xoang có thể gây ra biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, giảm thị lực. Bé có nguy cơ mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị giác, giảm thính lực do viêm tai giữa tái lại, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa...
Để phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp trong dịp Tết Nguyên đán, bác sĩ Hạnh khuyến cáo bố mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ, chế độ ăn có vitamin và chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đeo khẩu trang ở nơi đông người. Bé cần thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà.
Trà My
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |