Nhưng em rất sợ về sau sẽ càng ngày càng nặng và không thể mổ được. Bác sĩ cho em hỏi liệu em có cần mổ ngay không hay tập các bài như bơi và kéo xà là được? Khi nào cần xem xét mổ? Em được tư vấn là mổ thì tỷ lệ khỏi là 50/50, thậm chí có nguy cơ liệt nửa người. Em rất lo lắng, hiện tại các cơn đau cũng ảnh hưởng nhất định đến công việc và cuộc sống. (Nguyễn Văn Cường, 27 tuổi, Cần Thơ)
Trả lời:
Đối với bệnh lý thoát vị đĩa đệm, tùy mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Trước tiên, người bệnh sẽ được điều trị bảo tồn. Phương pháp này kết hợp giữa điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu với thực hiện lối sống lành mạnh.
Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ... là những loại thuốc thường được dùng trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Người bệnh cần lưu ý dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, nguy hiểm hơn có thể gây viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, loãng xương...
Song song, người bệnh có thể kết hợp cùng tập vật lý trị liệu để khắc phục các cơn đau, hạn chế sự chèn ép các dây thần kinh do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt. Những bài tập này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhân viên y tế.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý tập luyện thể thao thường xuyên. Đối với thoát vị đĩa đệm, đu xà, bơi lội... là những môn được khuyến khích. Đu xà giúp cột sống sẽ được kéo giãn, tăng khoảng cách giữa các đốt sống, làm giảm áp lực lên đĩa đệm. Đu xà còn làm giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép, giảm đau hiệu quả. Người bệnh nên treo mình lên xà khoảng 45 giây, sau đó từ từ thả mình xuống. Mỗi lần đu xà 3-4 nhịp, mỗi tuần tập 3 lần.
Trong khi đó, bơi lội giúp làm giảm áp lực do sức nặng của cơ thể tác động lên các khớp, từ đó giảm chèn ép đĩa đệm, giảm đau nhức hiệu quả. Ngoài ra, việc hít thở sâu khi bơi làm tăng cường lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể, giúp giảm đau, giảm viêm hiệu quả. Để hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả, người bệnh nên chọn bơi ếch, bơi đều đặn từ 30-60 phút/lần, mỗi tuần từ 3-4 lần.
Khi các biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc và điều trị nội khoa không giúp cải thiện triệu chứng trong khoảng 4-6 tuần, phương pháp phẫu thuật có thể được lựa chọn. Tùy từng tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật phù hợp như: mổ hở, vi phẫu, nội soi, hợp nhất cột sống, thay đĩa đệm nhân tạo.
BS.CKI Nguyễn Văn Toại
Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM