BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, mục tiêu của phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ là loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương và giải nén cho rễ thần kinh, tủy sống. Từ đó giảm đau và ngăn ngừa sự tiến triển của các tình trạng thiếu hụt thần kinh như ngứa ran, tê yếu ở cánh tay, khôi phục sức cơ...
Phẫu thuật là giải pháp cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đã điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh vẫn đau nhức cổ liên tục, cơn đau tăng nghiêm trọng. Phương pháp này cũng được chỉ định cho các trường hợp người bệnh thoát vị đĩa đệm cổ bị yếu vận động do tổn thương tủy sống, có dấu hiệu hẹp ống sống cổ, tăng tín hiệu trong tủy sống trên MRI...
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm vùng cổ, tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một thủ thuật phức tạp, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thủng thực quản, liệt dây âm thanh, dò dịch não tủy, tổn thương tủy sống, nhiễm trùng... Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh nên thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên về thần kinh cột sống, được trang bị hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ.
Bác sĩ Xuân Anh cho biết thêm, thoát vị đĩa đệm cổ sau khi phẫu thuật vẫn có khả năng cao tái phát nếu người bệnh không chăm sóc đúng cách hoặc tiếp tục lối sinh hoạt không khoa học. Vì thế, sau phẫu thuật, người bệnh cần lưu ý vệ sinh vết mổ đúng cách theo hướng dẫn và thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào để có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, đau khi nuốt cũng là một vấn đề thường gặp sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ. Lúc này, người bệnh nên cố gắng uống nước, nói chuyện và tập nuốt để giúp giảm đau nhanh.
Tập luyện, vận động sau phẫu thuật đúng cách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch tập luyện phục hồi cụ thể để giúp người bệnh trở lại các hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Thông thường, người bệnh thường có thể đứng dậy và đi lại vào cuối ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Sau 3 -6 tuần, người bệnh có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc quay trở lại các hoạt động thường ngày còn phụ thuộc vào mức độ hồi phục của cơ thể và loại công việc, mức độ hoạt động của mỗi người bệnh. Vì thế, người bệnh cần trao đổi rõ ràng với bác sĩ về các bài tập này.
Trong sinh hoạt hàng ngày, để ngăn ngừa tái phát, người bệnh cần chú ý nằm gối cao vừa phải, không xách vật nặng hoặc đeo túi lớn; giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ khi trời lạnh; tránh ngồi quá lâu một chỗ, nên vận động cột sống cổ, vai, tay bằng những động tác tự xoa bóp. Trong chế độ dinh dưỡng cũng cần uống đủ nước, hạn chế thức uống lạnh; bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi và kẽm để cải thiện hệ xương khớp, tăng cường những nhóm vitamin D3 và K2 để tăng khả năng hấp thu, giảm lắng đọng canxi...
Phi Hồng