Thứ sáu, 22/2/2019, 10:14 (GMT+7)

Cơ hội lịch sử của du lịch Việt Nam từ hội nghị Mỹ - Triều

Việt Nam chi hàng triệu USD ra nước ngoài quảng bá nhưng hiệu quả có khi không bằng tác động của cuộc gặp Trump - Kim kéo dài 2 ngày.

Sau chuyến đi quảng bá du lịch cho Quảng Bình ở Mỹ vào tháng 1, ông Nguyễn Châu Á - CEO của Oxalis, còn nhớ như in khoảnh khắc một tài xế Mỹ ngạc nhiên khi biết các vị khách của mình đến từ Việt Nam.

"Tài xế đó khoảng 55 tuổi, đưa chúng tôi từ sân bay Los Angeles về khách sạn. Bác ấy hỏi chúng tôi sống ra sao, vì nghĩ rằng Việt Nam đang khó khăn và không an toàn", ông kể. Sau chuyến đi đến xứ cờ hoa, CEO này nhận ra nhiều người Mỹ vẫn nghĩ Việt Nam rất nghèo khó và còn chiến tranh nên không muốn đến du lịch.

Việt Nam - điểm đến hòa bình

Thực tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam đứng số 1 trên 136 nước với nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017. Đồng hạng với Việt Nam là Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Singapore... 

Ngoài ra, Hà Nội còn được biết đến là Thành phố vì Hoà bình - danh hiệu do UNESCO phong tặng năm 1999. Giải thưởng này được trao cho 5 thành phố tiêu biểu đại diện cho 5 châu lục trên thế giới, hiện Hà Nội là thành phố đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nhận danh hiệu này. 

Tuy nhiên, chỉ đến khi Tổng thống Donald Trump công bố thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ diễn ra tại Hà Nội vào 27 - 28/2, những lợi thế đó mới được các chuyên gia, truyền thông chú ý tới. 

Ông Châu Á cho rằng một khi tổ chức thành công cuộc gặp Trump - Kim, Việt Nam sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội để nhiều người Mỹ biết Việt Nam hiện là một quốc gia hòa bình, và giải quyết sự chần chừ của những du khách có ý định đến Việt Nam nhưng vẫn lo ngại về an ninh, an toàn.

70% người dân Mỹ chưa bao giờ ra khỏi bang nơi mình sinh sống. Với bộ ảnh check-in các hang động ở Quảng Bình với ba lá quốc kỳ Triều Tiên - Việt Nam - Mỹ, ông Nguyễn Châu Á kỳ vọng sẽ giới thiệu đến người dân Mỹ và thế giới về một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thân thiện.

Với bộ ảnh check in các hang động ở Quảng Bình với ba lá quốc kỳ Triều Tiên - Việt Nam - Mỹ, ông Nguyễn Châu Á kỳ vọng giới thiệu đến thế giới về một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thân thiện. Ảnh: Oxalis.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Du lịch, nhận định cuộc gặp Trump - Kim là "cơ hội lịch sử" bởi sự kiện này là tâm điểm của truyền thông thế giới. Từ đó, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh về một điểm đến hoà bình, tươi đẹp, an toàn, và thân thiện. "Sự quan tâm của hàng tỷ người trên thế giới sẽ góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của mọi người về Việt Nam trước đây", ông Siêu chia sẻ.

Nhìn từ góc độ du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), chỉ ra việc Hà Nội được lựa chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai như lời khẳng định điểm đến này đủ khả năng phục vụ các sự kiện tầm cỡ quốc tế, với cơ sở vật chất, dịch vụ chuyên nghiệp từ loạt khách sạn 4 - 5 sao đến sân bay đáp ứng các đoàn khách lớn.

Theo ông Chính, việc tổ chức sự kiện này còn truyền đi thông điệp Việt Nam là điểm đến phù hợp với các nhà lãnh đạo, doanh nhân, những du khách chi trả cao hoặc khó tính... Đây chính là tiền đề cho loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp công tác, hội họp...) phát triển.

Phóng viên quốc tế túc trực bên ngoài nhà khách Chính phủ. Ảnh: Hữu Khoa.

Phóng viên quốc tế túc trực bên ngoài nhà khách Chính phủ. Ảnh: Hữu Khoa.

Quảng bá tại chỗ

Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho biết khoảng 3.000 phóng viên quốc tế sẽ đến Hà Nội để đưa tin về sự kiện này, trong đó có hàng trăm hãng truyền hình, thông tấn, báo chí.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận thấy cơ hội để du lịch Việt Nam quảng bá qua hai kênh: những người đến tham dự hội nghị và đội ngũ phóng viên đưa tin.

Trong suốt thời gian trước khi bắt đầu hội nghị đến sau khi cuộc gặp kết thúc, truyền thông thế giới sẽ liên tục nói về Việt Nam và đưa những câu chuyện bên lề thú vị. Do đó, các chuyên gia trong ngành đều đánh giá đây là cơ hội "có một không hai" để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới mà không tốn kém.

"Chúng ta đôi khi phải bỏ tiền để mời các phóng viên nước ngoài đến trải nghiệm, đưa tin về du lịch Việt Nam. Với sự kiện này, họ chủ động đến, tự lo chi phí đi lại, khách sạn... nên nếu ta muốn tận dụng cần lên kế hoạch cụ thể để mời họ đến các điểm du lịch, cung cấp các thông tin cho họ tiếp cận", ông Bình chia sẻ. 

Lãnh đạo này kỳ vọng thượng đỉnh Trump - Kim có thể giúp Việt Nam thu hút thêm lượng lớn khách Mỹ - thị trường có hơn 90 triệu người du lịch nước ngoài mỗi năm.

"Việt Nam bỏ ra hàng triệu USD để ra nước ngoài xúc tiến nhưng có khi không hiệu quả và thu về tác động lớn như sự kiện lần này. Và nguồn lợi khi hình ảnh của du lịch Việt Nam được giới thiệu ra thế giới là không đo đếm được", ông Hoàng Nhân Chính nói.

Hà Nội đang gấp rút tu sửa, trồng thêm hoa, tiểu cảnh trên tuyến đường từ trung tâm thủ đô đi sân bay Nội Bài để chào đón sự kiện. Ảnh: Phạm Dự.

Hà Nội đang gấp rút tu sửa, trồng thêm hoa, tiểu cảnh trên tuyến đường từ trung tâm thủ đô đi sân bay Nội Bài để chào đón sự kiện. Ảnh: Phạm Dự.

Trong khi đó, ông Châu Á lưu ý rằng ngoài an ninh - an toàn, thái độ đón tiếp và chất lượng dịch vụ từ đưa đón sân bay, khách sạn, nhà hàng, tham quan... cần được đảm bảo để gây ấn tượng tốt cho những người đến tham dự. Từ ấn tượng tốt, họ sẽ nói với bạn bè, đồng nghiệp đến Việt Nam làm việc, du lịch.

Tận dụng cơ hội có một không hai

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng cục Du lịch nên huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng... để mời các phóng viên trải nghiệm miễn phí; hay thông qua các dịch vụ tại chỗ để giới thiệu văn hóa, ẩm thực... nhằm gợi mở về du lịch Việt Nam.

Ông Hoàng Nhân Chính gợi ra câu chuyện của thành phố Philadelphia (Mỹ). Nơi đây có một chiếc chuông Tự Do từng được rung lên để kêu gọi người dân đến nghe bản tuyên ngôn độc lập Mỹ vào năm 1776. Hiện tại, nơi trưng bày chiếc chuông thu hút hàng triệu khách mỗi năm.

"Nếu cuộc gặp tới đi đến những dấu mốc lịch sử thì nơi tổ chức và các hiện vật liên quan có thể trở thành điểm tham quan, phục vụ du khách sau này. Muốn vậy, từ bây giờ ngành du lịch cần có những chuẩn bị trước", ông Chính nói.

Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đơn vị đang phối hợp với Bộ Ngoại giao - cơ quan chủ trì tổ chức sự kiện, để có thể cung cấp thông tin "nhiều nhất, tốt nhất" tại trung tâm báo chí đặt ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Một không gian văn hóa Việt Nam cũng được thiết kế tại trung tâm này để giới thiệu những điều đặc sắc nhất của du lịch nước nhà. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức tour cho các nhà báo trải nghiệm Hà Nội và các tỉnh thành lân cận dựa trên nhu cầu thực tế.

"Tuy nhiên đi kèm với cơ hội luôn là thách thức, làm sao để đáp ứng được kỳ vọng của thế giới và các đối tác. Chắc chắn sau sự kiện lượng khách đến Việt Nam sẽ tăng lên, đòi hỏi các đường bay mới, sản phẩm mới, đa dạng, chất lượng", ông Siêu nói.

Việt Nam ấn tượng trong clip quảng bá du lịch tại Anh
 
 

Việt Nam xuất hiện trên kênh Travel Channel của Anh năm 2010.

Là người có kinh nghiệm xúc tiến ở nước ngoài, ông Châu Á e ngại việc quảng bá tại khu vực báo chí sẽ không hiệu quả và khó tiếp cận với phóng viên quốc tế vì nhiệm vụ của họ đến đây là đưa tin hội nghị. Thay vào đó, Việt Nam có thể đàm phán với các hãng truyền hình lớn để lồng ghép phóng sự về đất nước, con người Việt Nam, sau đó phát sóng với chi phí vừa phải. "Vì toà soạn, các đài mới là người có quyền đăng gì ngoài hội nghị, không phải phóng viên", ông giải thích.

Ngành du lịch cũng cần thực hiện các chương trình quảng bá Việt Nam đến thị trường mục tiêu - nơi có hàng triệu người đang theo dõi sự kiện, thông qua nhiều hình thức khác nhau, như truyền hình, báo chí, mạng xã hội... Bên cạnh cơ quan quản lý du lịch làm quảng bá, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có những chương trình giới thiệu phù hợp nhân sự kiện này.

"Ngắn hạn, du lịch Việt Nam có thể xây dựng các nội dung số, thực hiện những chương trình quảng bá quốc tế để thu hút khách. Về lâu dài, Việt Nam có thể xây dựng một hồ sơ tốt cho các sự kiện lớn", ông Á gợi ý.

Ông Hoàng Nhân Chính cho biết Việt Nam sẽ tham dự hội chợ du lịch lớn nhất thế giới Internationale Tourismus-Börse Berlin (ITB Berlin) tại Đức vào tháng 3 tới. Tại gian hàng lớn 500 m2, ngành du lịch chắc chắn sẽ quảng bá điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

30 giây Hà Nội lên sóng CNN
 
 

Hà Nội trên kênh CNN trong gói quảng bá 2 triệu USD.

Ngày 2-3/5, du lịch là một trong năm lĩnh vực được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF). Đây là sự kiện quy mô quốc gia thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mục tiêu của Diễn đàn là đề xuất lên Chính phủ những giải pháp nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Khương Nha

 

Chia sẻ bài viết qua email