Những vết rách hoặc loét ở niêm mạc ống hậu môn gây ngứa, đau rát, chảy máu trong và sau khi đại tiện. Đôi khi vết nứt có thể đủ sâu, để lộ các mô cơ bên trong. Người bệnh cũng có thể thấy được một cục u nhỏ, mảnh da thừa hoặc mụn thịt nhú trên da quanh vết nứt.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, mép sau của ống hậu môn có nhiều tuyến, huyết khối nhỏ, niêm mạc mỏng nên dễ bị nứt, rách. Những vết rách có hình tuyến tính hoặc bầu dục, bắt đầu ngay bên dưới đường răng cưa kéo dài đến mép hậu môn. Bệnh dù là cấp tính hay mạn tính đều ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm chất lượng sống của người bệnh.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra vết nứt hậu môn theo Tiến sĩ Khanh.
Táo bón
Nguyên nhân phổ biến nhất của nứt hậu môn là táo bón mạn tính. Táo bón dẫn đến phân cứng, kích thước to, có thể làm căng và rách hậu môn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do bệnh gây nhiều đau đớn nên một số trẻ có xu hướng nhịn đại tiện. Lúc này, táo bón càng trở nên trầm trọng, khiến hậu môn bị nứt và đau rát nhiều hơn.
Tiêu chảy kéo dài
Tiêu chảy kéo dài có nguy cơ dẫn đến nứt hoặc rách hậu môn. Do thao tác lau chùi làm sạch liên tục vùng hậu môn có thể kích ứng, viêm loét. Cọ xát nhiều lần với phân cũng khiến niêm mạc hậu môn bị tổn thương. Vi khuẩn và nồng độ pH bất lợi trong dịch phân còn khiến vết thương đau và khó lành hơn.
Viêm ruột
Viêm ruột là một nhóm các tình trạng bao gồm viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn. Một số dấu hiệu chính của viêm ruột là viêm đường tiêu hóa và tiêu chảy mạn tính. Những yếu tố này có thể gây ra nứt hậu môn, tuy hiếm gặp.
Sinh con
Phụ nữ sinh con qua đường âm đạo có khả năng bị nứt hậu môn ở đường giữa. Do áp lực đẩy đầu em bé ra khỏi tử cung trong khi sinh chèn ép lên hệ thống cơ của thành ống hậu môn, khiến chúng bị căng giãn quá mức. Với những ca sinh khó sử dụng dụng cụ đỡ đẻ, thai to, sản phụ càng dễ bị nứt hậu môn.
Bệnh lao
Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm vi khuẩn lao cũng nguy cơ gây ra các tổn thương (vết loét) trên da, kể cả ở hậu môn. Những tổn thương này xuất hiện ở hậu môn lâu ngày có thể hình thành vết nứt.
Nhiễm virus HIV
Vết nứt ở hậu môn có thể bắt đầu từ vết loét do nhiễm virus HIV. Khác với vết nứt hậu môn lành tính thường hẹp và nằm ở vị trí thấp trong ống hậu môn, ở người HIV, vết nứt thường là những tổn thương rộng, đáy sâu hoặc tạo hang. Đa số vết nứt nằm gần phía đường lược của hậu môn, đôi khi kéo dài đến tận vùng liên cơ thắt hoặc xuyên qua các cơ thắt tiến vào khu vực quanh hậu môn trực tràng. Bệnh nhân có nguy cơ bị ứ đọng mủ và phân ở đáy vết nứt nên rất đau đớn.
Nhiễm trùng lây qua đường tình dục
Một số bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục góp phần vào sự phát triển của vết nứt hậu môn, chẳng hạn giang mai hoặc Herpes Simplex Virus (HSV-2) - một loại virus gây ra các mụn rộp và vết loét xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng.
Người có tiền sử phẫu thuật vùng hậu môn như cắt trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ hay quang đông hồng ngoại...; quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc những chấn thương khác tác động trực tiếp lên niêm mạc ống hậu môn cũng là yếu tố nguy cơ.
Nứt hậu môn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhất là nam giới trung tuổi, người có thói quen ăn đồ cay nóng, ít vận động, ăn ít chất xơ và uống ít nước hàng ngày. Hầu hết các trường hợp vết nứt tự lành trong khoảng 4-6 tuần. Nếu kéo dài quá 8 tuần, bệnh chuyển sang giai đoạn nứt hậu môn mạn tính.
Theo Tiến sĩ Khanh, nhiều bệnh nhân nhầm tưởng cơn đau và dấu hiệu chảy máu vùng hậu môn là do bệnh trĩ. Tuy nhiên, với các vết nứt không điển hình; vết nứt không ở đường giữa, không gây đau hoặc có nhiều vết nứt quanh vùng hậu môn cần phải kiểm tra đánh giá bằng sinh thiết và nuôi cấy để loại trừ một số bệnh lý như áp xe, rò hậu môn, ung thư, bạch cầu, AIDS... Người bệnh không nên chủ quan, khi có dấu hiệu bất thường như đau, ngứa, bỏng rát, đi ngoài ra máu, cần đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mọi người có thể phòng nứt hậu môn bằng cách uống đủ nước, tránh thức uống có cồn như bia rượu làm cho triệu chứng của bệnh trầm trọng; tăng cường bổ sung chất xơ trong bữa ăn hàng ngày (khoảng 20-35g mỗi ngày); tránh nhịn đại tiện. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng góp phần giúp hệ tiêu hóa khỏe, hạn chế các tổn thương.
Trịnh Mai