Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa theo nhiều cách khác nhau. Thuốc bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn thường an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh, nhưng có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người. Một số vấn đề dưới đây liên quan đến hệ tiêu hóa có thể xảy ra khi dùng thuốc.
Kích ứng thực quản
Một số người gặp khó khăn khi nuốt viên nén hoặc viên nang. Viên thuốc nằm trong thực quản có thể giải phóng các hóa chất gây kích ứng niêm mạc gây loét, chảy máu, thủng và hẹp thực quản. Nguy cơ của những loại chấn thương này tăng cao ở người mắc bệnh liên quan đến thực quản như hẹp thực quản, xơ cứng da, achalasia, đột quỵ... Một số loại thuốc có thể gây loét nếu không may bị kẹt ở thực quản như aspirin, một số loại kháng sinh chẳng hạn doxycycline, quinidine, kali clorua, vitamin C và sắt.
Tiến sĩ Khanh khuyên, bạn nên đứng hoặc ngồi khi nuốt thuốc, uống vài ngụm nước trước và sau khi uống, không nằm ngay sau khi uống để đảm bảo thuốc đã đi qua thực quản xuống dạ dày.
Trào ngược thực quản
Một số loại thuốc can thiệp vào hoạt động của cơ vòng, nằm giữa thực quản và dạ dày. Cơ này cho phép thức ăn đi vào dạ dày sau khi nuốt, tăng khả năng trào ngược. Một số loại thuốc làm tăng mức độ trào ngược như thuốc chống viêm không steroid, nitrat, theophylline, canxi, kháng sinh đường uống, thuốc tránh thai...
Kích ứng dạ dày
Theo tiến sĩ Khanh, một trong những chất kích thích phổ biến nhất đối với niêm mạc dạ dày là thuốc chống viêm steroid (NSAID). Điều này bao gồm các loại thuốc ibuprofen và thuốc giảm đau thông thường khác. Thuốc này làm suy yếu khả năng chống lại axit trong dạ dày của niêm mạc và đôi khi có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày, loét, chảy máu hoặc thủng niêm mạc.
Tiến sĩ Khanh lưu ý, những người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị kích ứng hơn từ các loại thuốc này vì họ thường dùng thuốc giảm đau cho bệnh mạn tính. Những người có tiền sử loét dạ dày, viêm dạ dày cũng có nguy cơ mắc bệnh. Để ngăn ngừa kích ứng dạ dày, người bệnh nên uống viên bao, không uống đồ có cồn khi dùng thuốc, uống thuốc với thức ăn hoặc với một ly sữa, ly nước đầy có thể làm giảm kích ứng.
Táo bón
Nhiều loại thuốc có thể gây táo bón bởi ảnh hưởng đến hoạt động của dây thần kinh và cơ trong ruột già, dẫn đến việc phân di chuyển chậm và khó khăn. Các loại thuốc có thể gây táo bón như thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng cholinergic, cholestyramine, sắt, thuốc kháng axit, thuốc giảm đau... Nếu bị táo bón do uống thuốc, bạn nên có chế độ khoa học, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn...
Tiêu chảy
Tiêu chảy thường do thuốc kháng sinh gây ra, ảnh hưởng đến vi khuẩn thường có trong ruột già. Thay đổi vi khuẩn đường ruột tạo điều kiện cho vi khuẩn clostridium difficile phát triển quá mức, gây ra tình trạng tiêu chảy do kháng sinh. Sự hiện diện của vi khuẩn này có thể gây viêm đại tràng, dẫn đến tiêu chảy. Các loại kháng sinh phổ biến gây tiêu chảy như penicillin (bao gồm ampicillin và amoxicillin), clindamycin, cephalosporin...
Cách hạn chế tình trạng tiêu chảy do kháng sinh là tránh các loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày. Bạn nên ăn thực phẩm có nhiều trực khuẩn như sữa chua, phô mai giúp bổ sung vi khuẩn trong ruột già.
Tổn hại gan
Gan giúp xử lý hầu hết các loại thuốc đi vào máu. Gan chuyển đổi thuốc thành chất mà cơ thể có thể dùng và loại bỏ chất độc hại mà các cơ quan khác không dung nạp được. Các hóa chất này có thể làm tổn hại gan. Việc dùng thuốc lâu dài gây tổn thương gan mạn tính và để lại sẹo ở gan. Một số loại thuốc khiến tổn thương gan nghiêm trọng như acetaminophen, thuốc chống co giật. Những người có bệnh về gan, sỏi mật nên chia sẻ với bác sĩ để lựa chọn thuốc phù hợp.
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, có nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn. Mỗi người nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc, cần hỏi bác sĩ trước khi sử dụng, không tự ý dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn hay chỉ định của bác sĩ.
Lục Bảo