Theo nhịp sinh học, 5-7 giờ sáng là thời gian thải độc của ruột già. Đại tràng co bóp mạnh gấp 3 lần trong giờ đầu tiên sau khi ngủ dậy khiến nhiều người có cảm giác muốn đi đại tiện vào sáng sớm. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là thói quen tốt, không chỉ đào thải chất cặn bã mà còn là tín hiệu tạo cảm giác đói, giúp cơ thể sẵn sàng đón nhận một bữa sáng lành mạnh.
Tuy nhiên, đại tiện vào sáng sớm có thể gây phiền toái, nhất là khi bị tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra thường xuyên còn là dấu hiệu của một số vấn đề về tiêu hóa cần phải điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tiêu chảy vào sáng sớm.
Hội chứng ruột kích thích (đại tràng co thắt)
Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tiêu chảy vào buổi sáng. Do đại tràng người mắc hội chứng ruột kích thích khá nhạy cảm nên thời gian phân nằm lại ruột già ngắn hơn so với người bình thường. Phân chưa được hấp thu hết nước và chất dinh dưỡng đã bị tống xuất ra ngoài ngay nên thường ở dạng lỏng, không thành khuôn. Người bệnh thường đau bụng tiêu chảy vào buổi sáng sau khi ăn, cảm giác đại tiện chưa hết phân.
Nhiễm khuẩn đường ruột
Sử dụng đồ ăn, thức uống bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc ăn phải thức ăn bị biến chất, ôi thiu... ở đêm hôm trước có thể gây đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy vào sáng hôm sau. Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng khi vào cơ thể sẽ giải phóng độc tố, làm tổn thương niêm mạc ruột, gây đau bụng kèm theo đi ngoài.
Dị ứng, ngộ độc thực phẩm
Ăn phải thức ăn bị nhiễm độc, tẩm ướp nhiều phụ gia, hóa chất hoặc cơ địa nhạy cảm với một số loại thực phẩm, chẳng hạn sữa bò, hải sản, trứng, lúa mì, đậu nành... có thể gây tiêu chảy sau khi sử dụng. Một số triệu chứng thường gặp là đi ngoài kèm theo mẩn ngứa, nổi mề đay; phù mặt, lưỡi, họng sau khi tiếp xúc với tác nhân từ vài phút tới vài giờ. Các trường hợp tiêu chảy xuất hiện vào buổi sáng thường là do cơ thể đã phản ứng với thực phẩm được ăn từ đêm trước.
Bệnh viêm ruột
Tiêu chảy vào buổi sáng có thể do bệnh viêm ruột như Crohn, viêm loét đại tràng gây nên. Khi bị viêm ruột, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như đau bụng, giảm cân, mệt mỏi, chán ăn...
Uống rượu bia
Uống rượu bia và hút thuốc lá khiến hệ tiêu hóa bị suy yếu, công năng rối loạn. Rượu gây kích ứng đường tiêu hóa, hạn chế khả năng hấp thụ nước của ruột già, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích nhu động ruột khiến các cơ trong đại tràng co bóp thường xuyên, đẩy phân ra ngoài nhanh hơn bình thường, dẫn đến tiêu chảy.
Uống nhiều cà phê trước lúc ngủ
Uống nhiều caffeine có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày và khiến các cơ trong đường tiêu hóa (được gọi là cơ trơn) rơi vào trạng thái thư giãn, gây rối loạn công năng. Do vậy, nếu uống nhiều cà phê trước lúc ngủ, có thể sáng hôm sau bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng đi ngoài.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây tiêu chảy, nhất là kháng sinh. Khi vào trong cơ thể, kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu hóa và đi ngoài phân lỏng.
Mang thai
Phụ nữ mang thai có thể bị tiêu chảy vì nhiều lý do như nhạy cảm với thực phẩm, ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, thay đổi nội tiết tố, thay đổi chế độ ăn uống khiến cơ thể chưa kịp thích nghi.... Đôi khi, tiêu chảy trong ba tháng cuối thai kỳ còn là dấu hiệu cảnh báo quá trình chuyển dạ đang đến gần. Nếu bị tiêu chảy nặng, bà bầu dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Stress
Căng thẳng quá mức có thể dẫn đến tiêu chảy. Khi bị căng thẳng, não gửi tín hiệu đến hệ tiêu hóa thông qua hệ thống thần kinh giao cảm. Lúc này, ruột tiết ra các hormon làm giảm nhu động ruột non và dạ dày nhưng tăng tốc chuyển động của ruột già, kích thích cơ thể đào thải nhanh chất cặn bã. Nếu stress kéo dài, công năng của hệ thống ruột có thể bị rối loạn, gây ra tiêu chảy.
Theo Tiến sĩ Khanh, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà phương pháp điều trị tình trạng tiêu chảy vào sáng sớm cũng khác nhau. Việc điều trị có thể bao gồm kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể để lại biến chứng mất nước, rất nguy hiểm ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ nên cần đặc biệt lưu ý. Nếu tình trạng này kéo dài kèm theo đau bụng, nôn nhiều, mệt mỏi, sụt cân nhanh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Trịnh Mai