Hệ thống tiêu hóa hoạt động bất thường có thể gây ra táo bón. Bệnh lý này xảy ra khi đi tiêu không đều đặn (gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi và đi tiêu khó khăn). Táo bón mạn tính có thể do các nguyên nhân khác và có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. 8 nguyên nhân phổ biến dưới đây giúp người bệnh bị táo bón mạn tính (từ 3 tháng trở lên) thăm khám phù hợp.
Các bất thường vật lý vùng tiêu hóa: Người bị táo bón mạn tính được khuyến nghị theo dõi sức khỏe đường tiêu hóa phòng những bất thường vật lý vùng tiêu hóa gây táo bón như xuất hiện vết nứt ở hậu môn, hẹp đại tràng, sa trực tràng.
Các khối u đau phát triển khi máu tụ lại vùng trĩ ngoại (trĩ huyết khối) cũng khiến mạch máu bị viêm và sưng ở phần dưới trực tràng hoặc xung quanh hậu môn. Khi khối u phát triển trong đường tiêu hóa, khiến phân khó đi qua đúng cách cũng gây táo bón. Người bị rối loạn chức năng sàn chậu, mắc rối loạn đi tiêu cũng nên cẩn trọng do vùng cơ gặp tình trạng co thắt, việc đi tiêu cũng khó khăn hơn.
Chế độ ăn uống: Ăn một lượng lớn thịt, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Cơ thể thiếu nước, thiếu chất xơ cũng góp phần khiến cơ thể khó đi tiêu. Người lạm dụng thức uống có cồn, đồ uống caffeine cũng khiến nhu động ruột hoạt động chậm hơn.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc đặc trị bệnh mạn tính có chứa thành phần góp phần gây táo bón mạn tính cho người bệnh như các thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt (dùng để điều trị co thắt cơ)... Người bệnh không nên dừng dùng thuốc mà nên hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để được tư vấn phù hợp.
Ít vận động: Các nghiên cứu từ Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận của Mỹ cho thấy, thiếu hoạt động thể chất thường xuyên, ít đi lại trong ngày góp phần làm chậm quá trình tiêu hóa, dần dẫn đến táo bón mạn tính.
Bệnh đường ruột: Hội chứng ruột kích thích (IBS, rối loạn phổ biến của ruột già), bệnh viêm ruột như chứng Crohn., viêm loét đại tràng và viêm túi thừa cũng là tác nhân gây táo bón mạn tính.
Rối loạn thần kinh: Táo bón mạn tính cũng có thể phát sinh do các rối loạn sức khỏe tiềm ẩn về thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương tủy sống, liệt nửa người, tật nứt đốt sống và bệnh thần kinh tự chủ (tổn thương thần kinh).
Rối loạn nội tiết: Các vấn đề về nội tiết và trao đổi chất như bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa porphyrin, suy giáp, cường giáp, lupus... cũng khiến cơ thể khó đi tiêu đều đặn.
Phụ nữ mang thai thay đổi cơ địa cũng hay gặp phải tình trạng táo bón mạn tính.
Bạn nên cân nhắc thăm khám nếu đi tiêu ít hơn 3 lần một tuần; thường xuyên đi khó; hơn 1/4 số lần đi đại tiện phải dùng dụng cụ hỗ trợ, phân cứng vón cục và đi tiêu không hết.
Mai Chi
(Theo Very Well Health)