Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tú, khoa Nội Cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, đau khớp háng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Người bệnh nên đi khám để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Thoái hóa khớp háng: Đây là hệ quả của quá trình thoái hóa sụn và xương dưới sụn. Các đầu xương không còn được sụn bảo vệ nên cọ xát vào nhau trong quá trình vận động. Tổn thương ở sụn khớp và mô xương dưới sụn làm cho các tế bào sụn khớp bị phá hủy, giảm tiết dịch, gây viêm. Biểu hiện của bệnh là đau nhức bên trong khớp, đau nhiều hơn khi thời tiết thay đổi, nhất là vào sáng sớm.
Viêm khớp háng: Các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, gout... có thể gây đau khớp háng vào sáng sớm. Người bệnh có thể cảm thấy khớp kêu lục cục, hạn chế di chuyển...
Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển: Bao hoạt dịch là túi chứa chất lỏng hoạt dịch, hoạt động như các miếng đệm nhỏ để giảm ma sát khi các phần cơ thể như gân hoặc dây chằng di chuyển qua xương. Nếu người bệnh cảm thấy đau ở vùng quanh khớp háng, có thể bao hoạt dịch đang bị viêm. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và có xu hướng tái phát sau khi điều trị.
Hoại tử chỏm xương đùi: Bệnh xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn. Ban đầu vùng chỏm xương thưa dần, hình thành những nang xương, lâu dần, gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ tàn phế rất cao. Đau khớp háng là triệu chứng chính và đầu tiên của bệnh. Cơn đau xuất hiện ở mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi. Một số trường hợp có thể bị đau vùng mông. Cơn đau nghiêm trọng khi vận động, đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi.
Chấn thương khớp háng: Vận động quá sức, không khởi động trước khi chơi thể thao, tập thể dục không đúng cách... có thể gây đau khớp háng do giãn dây chằng hoặc căng cơ. Cơn đau ở khớp háng do chấn thương không chỉ xuất hiện vào lúc sáng sớm mà có thể kéo dài cả ngày, cử động khó khăn và gây viêm nhiễm.
Nguyên nhân khác: Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, thừa cân béo phì, ít vận động, dị tật khớp háng bẩm sinh, mang thai... cũng có thể gây đau khớp háng khi ngủ dậy.
Theo bác sĩ Tú, không điều trị đau khớp háng sáng sớm có thể gây ra nhiều biến chứng như phù nề quanh khớp, giảm hoặc mất khả năng vận động. Toàn bộ khớp háng bị hư hại nghiêm trọng, không còn khả năng hồi phục, người bệnh đối mặt với nguy cơ tàn phế... Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bác sĩ khám.
Ngoài khám lâm sàng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm một số cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X-quang kỹ thuật số MXHF-1500DR hoặc chụp MRI 3 Tesla... Tùy vào nguyên nhân gây đau khớp háng, bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |