Ông Châu, ngụ tại Đăk Lăk, bị giảm tầm vận động khớp háng vài tháng nay, chỉ cần nâng nhẹ chân trái thì đau. ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Châu bị hoại tử chỏm xương đùi chân trái đến giai đoạn cuối, sụn khớp hoại tử, lún sụp đầu xương và biến dạng khớp háng. Bệnh lý này xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn ở chỏm xương đùi. "Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp cuối cùng giúp bệnh nhân khỏi đau và khôi phục khả năng vận động", bác sĩ Học nói.
Ca phẫu thuật gặp thách thức do ông Châu từng phẫu thuật thay hai đĩa đệm và nẹp lại đốt sống một năm trước, làm thay đổi cấu trúc động học cột sống và xương chậu, khớp háng. Nếu thay khớp háng theo các phương pháp thông thường, nguy cơ trật khớp háng sau phẫu thuật tăng 4 lần bình thường.
Để tối ưu hiệu quả điều trị, bác sĩ đánh giá mức độ bất thường của động học cột sống bằng hệ thống X-quang kỹ thuật số treo trần GXR-52SD Ceiling System cho người bệnh ở cả tư thế đứng và ngồi cho hình ảnh rõ nét và nhanh chóng. Phần mềm TraumaCad chuyên dụng trong thay khớp giúp đánh giá độ nghiêng của ổ cối, nhờ đó bác sĩ thao tác lắp khớp chính xác hơn, tránh trật khớp khi thay đổi tư thế.
Ông Châu được chỉ định thay khớp háng nhân tạo có gờ chống trật bằng phương pháp SuperPath. Bác sĩ rạch một đường nhỏ khoảng 6-8 cm để thay khớp háng mà không cần cắt cơ, bao khớp, bảo tồn được nhóm cơ xoay ngoài. Nhờ đó, người bệnh ít mất máu, ít đau, phục hồi nhanh hơn và giảm đáng kể nguy cơ trật khớp sau mổ.
Ngày đầu sau phẫu thuật, ông Châu không còn đau, có thể vịn tường để tự đi lại. Tiên lượng sau hai tuần, ông có thể sinh hoạt bình thường và phục hồi hoàn toàn sau khoảng ba tháng. Người bệnh được tập phục hồi chức năng theo tình trạng để lấy lại sức mạnh cơ bắp sau mổ, tránh nguy cơ trật khớp và phòng té ngã.
Theo bác sĩ Học, hoại tử chỏm xương đùi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như đau nhức, hạn chế tầm vận động khớp háng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ tàn phế rất cao. Phát hiện sớm bệnh có thể kiểm soát bằng các phương pháp nội khoa như sử dụng thuốc, vật lý trị liệu (trường điện từ, sóng âm), tiêm những yếu tố sinh học... Nếu nặng, người bệnh phải phẫu thuật. Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật như khoan giải ép, đục xương chỉnh trục, thay khớp háng nhân tạo...
Bác sĩ lưu ý người từng được phẫu thuật điều trị bất kỳ bệnh xương khớp nào, khi phải can thiệp lần hai, nên đến cơ sở y tế uy tín, trang thiết bị đầy đủ, bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo điều trị an toàn.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |