Ngày 22/7, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích như trên, thêm rằng chỏm xương đùi chỉ có một mạch máu rất nhỏ. Do đó, khi mạch này bị tắc, máu không thể tiếp cận nuôi tế bào xương.
Hệ xương liên tục trải qua quá trình phá vỡ và xây dựng lại theo thời gian. Uống nhiều rượu bia làm giảm quá trình tạo và sửa chữa xương của cơ thể. Các tế bào xương bị tổn thương không được thay thế bằng tế bào khỏe mạnh, dần hình thành mô chết và xơ hóa.
Tình trạng hoại tử xương thường gặp ở người trên 50 tuổi, nhưng hiện có xu hướng trẻ hóa, phổ biến là hoại tử chỏm xương đùi ở khớp háng. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM mỗi tháng tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân có vấn đề về khớp háng, trong đó gần 30% bị hoại tử chỏm xương đùi. Trong số bệnh nhân, 70% dưới 40 tuổi, 50% uống nhiều rượu bia kèm thói quen hút thuốc lá hoặc vận động sai cách.
"Lạm dụng bia rượu thúc đẩy hoại tử chỏm xương ở người trẻ tuổi", bác sĩ Khoa nói, dẫn nghiên cứu trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ cho thấy 60-80% trường hợp hoại tử chỏm xương đùi không do chấn thương có nguyên nhân từ rượu bia.
Như anh Tiến, 25 tuổi, mỗi tuần 3-4 buổi nhậu. Hai năm gần đây, anh đau mỏi vùng hông, uống nhiều loại thuốc không bớt. Còn anh Khánh, 32 tuổi, bị đau khớp háng trái nhiều năm, chỉ uống thuốc giảm đau, không đi khám. Anh Khánh nghiện thuốc lá nặng, hút gần một gói mỗi ngày, uống rượu bia 3-4 lần mỗi tuần. Cả hai người bệnh được chẩn đoán bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối. "Họ không bị chấn thương, nhưng hoại tử xương đùi có liên quan đến thói quen xấu từ lối sống như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá", bác sĩ Khoa cho biết.
Giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, cơn đau ở khớp háng rõ rệt hơn, nhất là khi vận động, đứng lâu, có thể đau lan xuống mặt trong đùi hoặc đau vùng mông. Người bệnh khó thực hiện các động tác xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép, gập duỗi chân, gần như không thể ngồi xổm.
Giữ lại khớp tự nhiên của người bệnh là ưu tiên của bác sĩ trong việc điều trị. Phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh được điều trị nội khoa bằng cách uống hoặc tiêm thuốc, tập vật lý trị liệu...
Trường hợp khớp chưa bị tổn thương nặng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật khoan giải ép bằng cách mổ mở hoặc kết hợp nội soi. Người bệnh chủ quan không khám và điều trị kịp thời dẫn đến đau nhiều, chỏm xương đùi bị xẹp, thoái hóa ổ cối nặng, phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần để tránh nguy cơ tàn phế.
Tình trạng của hai bệnh nhân trên không thể điều trị bảo tồn, phải thay khớp nhân tạo mới phục hồi khả năng đi lại. Bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng trong thay khớp để đo đạc, tìm ra kích thước khớp phù hợp nhất với cấu trúc cơ thể tự nhiên của từng người bệnh. Sau đó, họ được thay khớp háng bằng đường mổ Superpath ít xâm lấn, ít đau, ít mất máu.
Phần xương và sụn bị hư hỏng bị loại bỏ, giữ lại các phần xương khỏe mạnh, thay thế chỏm xương đùi bị biến dạng bằng khớp nhân tạo. Kỹ thuật này giúp bảo tồn nhóm cơ xoay ngoài, không cần cắt bao khớp. Nhờ đó sau mổ, bệnh nhân vận động tự nhiên, có thể thực hiện được các động tác khó như vắt chân chữ ngũ, ngồi xổm...
Bệnh nhân giảm đau rõ rệt, hồi phục nhanh, đi lại và xuất viện chỉ sau 1-2 ngày, tránh được các biến chứng khi nằm lâu như huyết khối tĩnh mạch, teo cơ, loét tì đè.
Bác sĩ Khoa lưu ý người trẻ không nên chủ quan, nhất là những người thường xuyên dùng bia rượu. Người có các dấu hiệu bất thường như đau nhức, khó cử động khớp háng, nên đi khám sớm để kịp thời can thiệp. Duy trì tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá để phòng bệnh nói chung, trong đó có bệnh hoại tử xương.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |