Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus cúm (Influenza virus) gây ra. Ba chủng virus cúm ảnh hưởng tới người là cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là nguyên nhân gây bệnh phổ biến do virus thường xuyên thay đổi, tạo nhiều biến chủng mới, khả năng lây nhiễm cao.
Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy tỷ lệ ca bệnh cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Đây là thống kê gần đây về bệnh cúm được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet.
Bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cúm lưu hành quanh năm, dễ bùng phát thành dịch. Hiện thời tiết miền Bắc trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ và độ ẩm không khí chênh lệch cao là điều kiện thuận lợi cho virus lây bệnh cúm phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh có thể khiến dịch lan rộng.
Virus cúm xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công hệ hô hấp, gây ra các triệu chứng sốt cao đột ngột 39-41 độ C, ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi... Tình trạng xảy ra sau khoảng 48-72 giờ tiếp xúc với virus.
Hầu hết triệu chứng này tự biến mất sau khoảng 7-10 ngày. Người có sức đề kháng kém như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và sau sinh, người già từ 65 tuổi trở lên, người bệnh béo phì (chỉ số BMI trên 40) dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm.
Biến chứng nguy hiểm do cúm cũng có thể xảy ra ở người suy giảm miễn dịch do ghép nội tạng, ung thư máu, HIV/AIDS, sử dụng steroid kéo dài, mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, tim mạch...
Bác sĩ Hương cho biết người bệnh cúm không được điều trị đúng cách có khả năng bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, nhất là thận và phổi, nhiễm trùng huyết. Với người lớn tuổi có bệnh mạn tính, viêm phổi do cúm có thể dẫn tới tử vong.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển biến nghiêm trọng gồm sốt cao liên tục, chậm đáp ứng thuốc hạ sốt; khó thở, tức ngực; mất ý thức; co giật; có dấu hiệu mất nước (môi và da khô, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu vàng đậm); môi hoặc móng tay hơi xanh... Người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.
Theo bác sĩ Hương, cúm lây từ người sang người. Khi người bệnh ho, hắt hơi, virus phát tán trong không khí hoặc bám trên các bề mặt. Người lành hít phải hoặc sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt, tiếp xúc chung bề mặt với người bệnh sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng dễ mắc bệnh. Một số trường hợp nhiễm bệnh do tiếp xúc với động vật mang virus.
Người bị cúm có thể lây nhiễm cho người khác trong thời gian ủ bệnh từ một ngày trước khi có triệu chứng đến 5-7 ngày sau khi phát bệnh. Với trẻ nhỏ hoặc người có sức đề kháng kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài khoảng hai tuần.
Tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm là cách tốt nhất để phòng bệnh, theo bác sĩ Hương. Ở người lớn tuổi, tiêm vaccine giúp giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong từ các vấn đề có liên quan tới bệnh cúm.
Bác sĩ Hương khuyến cáo xây dựng và duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm như đeo khẩu trang khi ra ngoài. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trong 30 giây hoặc sử dụng nước rửa tay khô sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc xì mũi, chạm vào động vật.
Các biện pháp phòng ngừa khác như không đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, không bỏ bữa. Ưu tiên rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin A, C, hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại tác hại từ gốc tự do, tăng cường khả năng miễn dịch.
Giữ gìn không gian sống sạch sẽ, lau chùi, hút bụi trong nhà; thay vỏ ga, gối, giặt rèm cửa thường xuyên. Khử khuẩn bề mặt dùng chung như mặt bàn, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, điều khiển tivi, điều hòa bằng dung dịch cồn sát khuẩn.
Duy trì tập thể dục thể thao 20-30 phút mỗi ngày. Hạn chế đến nơi tập trung đông người khi có triệu chứng cúm hoặc tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh. Người mắc bệnh, nên tự cách ly trong phòng riêng ít nhất 24 giờ kể từ thời điểm hết sốt để tránh lây lan cho người xung quanh.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |