Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, dễ lây lan, với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, ho... Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, những triệu chứng này cũng có thể gặp ở nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Viêm phổi
Bác sĩ Thơm cho biết, viêm phổi có triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với cúm. Nó có thể xảy ra riêng biệt hoặc là biến chứng của bệnh cúm. Viêm phổi xảy ra trong hoặc sau khi bị cúm có thể do chính virus cúm gây ra, hoặc do đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn. Trong đó, viêm phổi do vi khuẩn rất nghiêm trọng, gây cơn ho dai dẳng, có đờm nhầy, thường kèm theo đau ngực, khó thở, sốt. Viêm phổi gây ra bởi virus thường ít nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị nghẹt mũi, chảy mũi, ho khan, mệt mỏi, tuy nhiên do tốc độ lây lan nhanh nên nó có thể gây ra đại dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao...
Viêm màng não
Viêm màng não là hiện tượng viêm của màng bọc xung quanh não và tủy sống. Cũng giống như viêm phổi, viêm màng não có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Theo bác sĩ Thơm, viêm màng não do virus thường phổ biến và nhẹ hơn, triệu chứng khá giống với bệnh cúm như nhức đầu, sốt và mệt mỏi. Ngoài ra viêm màng não còn đi kèm với cứng cổ, sợ ánh sáng.
Bệnh có thể tự khỏi sau một tuần hoặc lâu hơn. Viêm màng não do vi khuẩn là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương não, thậm chí nguy hiểm tính mạng hoặc để lại di chứng thần kinh về lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm phế quản
Viêm phế quản cấp tính có nhiều triệu chứng chồng chéo với cúm như ho có đờm, đau họng, mệt mỏi, sốt. Tuy nhiên cúm là bệnh viêm vùng mũi họng (đường hô hấp trên) còn viêm phế quản là viêm các nhánh phế quản (đường hô hấp dưới). Do đó, thay vì đau nhức toàn thân và chảy mũi, ngạt mũi như cúm thì viêm phế quản có triệu chứng chủ yếu là tức ngực, khó thở và có thể kèm ngứa rát họng. Cơn ho dai dẳng của đợt viêm phế quản cấp tính có thể kéo dài đến 3 tuần, lâu hơn ho do cảm cúm.
Viêm họng liên cầu khuẩn
Bác sĩ Thơm cho biết, cúm và viêm họng liên cầu khuẩn có chung nhiều triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau nhức toàn thân, đau họng, mệt mỏi.... Tuy nhiên ở bệnh nhân mắc viêm họng liên cầu khuẩn thường không có triệu chứng như ngạt mũi, chảy mũi (triệu chứng chính trong bệnh cúm). Ngoài ra, viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây sưng hạch vùng cổ, vùng mang tai, sưng amidan, xuất hiện sưng đỏ trong cổ họng, các mảng trắng trong miệng. Những triệu chứng này đều không phải là điển hình của bệnh cúm.
Virus hợp bào hô hấp (RSV)
Theo bác sĩ Thơm RSV và bệnh cúm đều là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do virus, do đó phân biệt 2 bệnh này chỉ dựa trên các triệu chứng là rất khó. Nhưng thông thường nhiễm RSV các triệu chứng thường tiến triển thành các giai đoạn nhẹ, nặng dần rồi hồi phục. Ở bệnh cúm, các triệu chứng thường đến một cách rầm rộ ngay từ những ngày đầu.
Cảm lạnh
Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh do virus gây ra, có nhiều triệu chứng giống nhau như đau họng, hắt hơi, nghẹt mũi. Sự khác biệt chủ yếu là tốc độ phát triển các triệu chứng. "Cảm lạnh thường diễn biến chậm, trong khi cúm lại diễn tiến nhanh, đột ngột. Người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu bệnh trong khoảng 1-7 ngày, thông thường là 48-72h sau khi tiếp xúc với vi rút cúm", bác sĩ Thơm thông tin.
Có nhiều bệnh lý nguy hiểm gây ra triệu chứng giống cảm cúm, hầu hết có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài dai dẳng, như khó thở, đau ngực, co giật, chóng mặt, mất ý thức, sốt cao... người bệnh cần lập tức thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Mai Linh