Những ai có nguy cơ mắc bệnh này và bệnh có thể chữa khỏi không? (Quang, 43 tuổi, Hải Phòng)
Trả lời:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính, đường thở bị thu hẹp khiến chức năng thông khí ở phổi suy giảm.
Triệu chứng của bệnh không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp. Những tổn thương ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính nhỏ hơn 2 mm và nhu mô phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở, thở khò khè, tức ngực (nhất là khi hoạt động thể chất), ho có đờm kéo dài.
Lúc đầu người bệnh thường ho ngắt quãng, sau ho cả ngày. Trường hợp điển hình có thể ho kéo dài đến ba tháng trong một năm và liên tục từ hai năm trở lên. Đờm trong, nhầy với số lượng ít sau ho, chủ yếu xuất hiện vào buổi sáng. Một số trường hợp, triệu chứng chủ yếu là khó thở tăng dần, ban đầu xuất hiện khi gắng sức, về sau có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh có thể thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp; thiếu năng lượng; sốt nhẹ, cảm giác ớn lạnh; sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc chân; giảm cân ngoài ý muốn.
Bệnh có hai dạng gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.
Viêm phế quản mạn tính: Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy chất nhầy, gây hẹp đường thở.
Khí phế thũng xảy ra khi túi khí trong phổi bị tổn thương lâu ngày khiến chúng bị suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ bằng không gian lớn, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do thiếu hụt, khuyết tật về gene ít gặp như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin hoặc do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp... Trong đó, hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Theo WHO, thói quen này gây ra hơn 70% số ca COPD ở các nước có thu nhập cao và 30-40% số ca ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nữ giới hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh hơn nam giới.
Khói thuốc lá chứa các hydrocacbon thơm đa vòng, amin thơm và nitrosamine, có thể tích tụ trong phổi, dẫn đến một số thay đổi về di truyền nếu tiếp xúc lâu dài. Hút thuốc cũng dẫn đến thay đổi hệ vi sinh vật trong phổi, góp phần vào sự tiến triển của bệnh COPD. Nguy cơ mắc bệnh COPD tăng theo thời gian, cường độ và mức tiêu thụ thuốc lá trong đời.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Mỹ đăng trên tạp chí Science Direct năm 2023 dựa trên 8.810 người cho thấy, những người hút từ 40 điếu thuốc mỗi ngày trở lên có nguy cơ mắc COPD cao gấp 10 lần so với người không bao giờ hút thuốc. Thời gian ủ bệnh khoảng 30 năm kể từ khi bắt đầu hút thuốc.
Khoảng 10% các trường hợp mắc bệnh do tiếp xúc bụi nghề nghiệp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân thường xuyên tiếp xúc với khí độc, xi măng, than đá, bụi silic, chất kích thích dùng trong nông nghiệp... cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Người bệnh COPD có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm, loãng xương, viêm khớp, hội chứng ngưng thở khi ngủ ung thư phổi và một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Đây là bệnh mạn tính, không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Điều trị giúp làm giảm triệu chứng sốt, ho đờm, khó thở, nhất là trong các đợt cấp của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do suy hô hấp.
Trường hợp của bạn, nếu tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ có thể kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm số đợt cấp cần nhập viện. Bạn nên bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc. Bỏ hút thuốc lá trong 1-5 năm đầu tiên mang lại hiệu quả rõ rệt. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng cách; tiêm phòng vaccine cúm hàng năm và vaccine phế cầu mỗi 5 năm một lần. Uống đủ nước (khoảng hai lít nước mỗi ngày), giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người khác để tránh khởi phát đợt cấp do hít phải khói bụi hoặc nhiễm virus. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu đạm, sắt, vitamin C.
Duy trì tập thể dục mỗi ngày tùy theo tình trạng sức khỏe theo tư vấn của bác sĩ. Các bài tập có thể tham khảo như tập thiền, yoga, tập thở kiểu bụng (thở bằng cơ hoành).
Kỹ thuật thở cơ hoành được thực hiện như sau: Nằm ngửa hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn. Đặt một bàn tay lên bụng, tay còn lại đặt lên ngực. Hít chậm, đều vào mũi sao cho bàn tay trên bụng cảm nhận được bụng đang phình lên, lồng ngực không di chuyển. Hóp bụng lại và thở ra thật chậm qua miệng, với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, bàn tay trên bụng có cảm giác lõm xuống. Bài tập này nên tập luyện từ từ, có thể áp dụng khi đứng, đi bộ, làm việc nhà. Lưu ý tập tăng dần mỗi ngày, không quá sức.
Nếu có đờm, bạn có thể học cách ho có kiểm soát để đạt được hiệu quả tống đờm, giúp dễ thở và tránh bị mệt. Bạn có thể ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái. Hít vào chậm và thật sâu, nín thở trong vài giây. Sau đó ho mạnh hai lần để long đờm và đẩy chúng ra ngoài.
Nếu mệt, không thể ho mạnh, bạn có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh. Hít vào chậm và sâu, nín thở trong vài giây. Thở ra mạnh (hóp bụng) và kéo dài. Sau đó hít vào nhẹ nhàng, thở đều vài lần và thực hiện lặp lại.
Khi có biểu hiện khó thở, ho khạc tăng, đờm chuyển màu trắng đục xanh, vàng, sốt hoặc không sốt, có đau ngực hoặc không, lơ mơ bạn cần đến ngay đến cơ sở y tế để khám.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |