Theo báo cáo gần đây đăng trên trang website của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), gần nửa triệu ca tử vong hàng năm tại nước này là do hút thuốc. Phổi là một trong những cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuốc lá.
Phổi được tạo thành từ các mô đàn hồi có thể co lại khi hít vào và mở rộng khi thở ra. Không khí từ bên ngoài đi vào cơ thể thông qua khí quản sau đó đi vào tiểu phế quản nằm trong phổi. Các tiểu phế quản mang không khí sạch, giàu oxy vào phổi và truyền khí carbon dioxide ra ngoài. Các cấu trúc nhỏ giống như sợi tóc xếp thành lớp gọi là lông mao có tác dụng làm sạch bụi bẩn có trong không khí khi bạn hít thở.
Khói thuốc lá chứa nhiều hóa chất gây hại cho hệ hô hấp. Chất nicotin trong thuốc lá làm tê liệt lông mao, khiến các chất độc hại có thể tích tụ. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn phổi và ho dai dẳng ở người hút thuốc.
Cả thuốc lá và các hóa chất có trong thuốc lá đều làm thay đổi cấu trúc tế bào của phổi. Để việc trao đổi không khí trong quá trình hít thở được thuận lợi, mang vào oxy nhất có thể, phổi cần một diện tích bề mặt lớn. Khi các vách ngăn đàn hồi trong đường thở bị phá vỡ bởi tác động của thuốc lá, dung tích phổi cũng thu hẹp lại.
Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng phổi mà còn làm thay đổi đặc điểm bên ngoài. Bằng các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CAT) hoặc X-quang có thể thấy sự khác biệt dưới đây:
Phổi người khỏe mạnh | Phổi người hút thuốc |
Màu hồng hào tự nhiên | Màu xám hoặc đen |
Kích thước bình thường | Giảm kích thước |
Màng ngăn hình vòm, có tính đàn hồi | Mất tính đàn hồi do mất đi cơ vòm |
Không bị viêm nhiễm | Có các chấm đen do viêm nhiễm |
Không có màng bao quanh | Có lớp màng có màu đen kịt bao quanh phổi |
Những nguy cơ của khói thuốc với sức khỏe
Thói quen hút thuốc có thể dẫn đến một số hậu quả ngắn hạn bao gồm: hụt hơi, suy giảm hiệu suất tập luyện thể thao, ho khan, sức khỏe phổi kém, hôi miệng, vàng răng, có mùi hôi ở tóc, cơ thể và quần áo.
Những hóa chất từ thuốc lá vào phổi cũng có thể gây viêm nhiễm lá phổi và dẫn đến việc sản xuất quá nhiều chất nhầy. Do đó, những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh ho, viêm phế quản và các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi do hút thuốc. Tình trạng viêm này cũng có thể làm trầm trọng tình trạng hen suyễn ở những người đã mắc bệnh.
Các mô phổi bị phá vỡ cũng đồng nghĩa quá trình trao đổi không khí của cơ thể bị ảnh hưởng, cuối cùng có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là khí phế thũng. Tình trạng này được đặc trưng bởi chứng khó thở. Mức độ nghiện thuốc lá và các yếu tố lối sống khác có thể ảnh hưởng đến mức độ gây hại. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh khí thũng hoặc viêm phế quản mạn tính, gọi chung là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thì nên bỏ hút thuốc để hạn chế các nguy cơ. Khoảng 80% các ca tử vong liên quan đến COPD ở Mỹ là do hút thuốc.
Hút thuốc cũng liên quan đến nhiều nguy cơ sức khỏe lâu dài trong đó phải kể đến ung thư phổi. Thống kê cho thấy, 90% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc thường xuyên. Nam giới hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 23 lần so với nam giới chưa bao giờ hút thuốc và ở phụ nữ là 13 lần.
Không chỉ gây tác hại với chính người hút mà hút thuốc lá thụ động cũng có những ảnh hưởng nghiêm trọng không kém. Hít phải khói thuốc lá làm suy giảm quá trình lưu thông máu, có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, đột quỵ...
Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá. Trong vòng vài ngày sau khi bỏ hút thuốc, hệ thống lông mao sẽ bắt đầu tái sinh và hoạt động trở lại bình thường từ trong vòng vài tuần đến vài tháng. Điều này làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến phổi chẳng hạn như ung thư phổi và COPD. Sau 10 đến 15 năm kiêng thuốc lá, nguy cơ phát triển ung thư phổi của bạn sẽ tương đương với nguy cơ của người chưa bao giờ hút thuốc.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today, Healthline)