Ở Hà Nội, mọi người thường nói rằng: "Chỉ cần vào được cấp ba là sẽ đậu đại học". Vì đại học bây giờ rất dễ, không học trường này thì học trường khác. Còn cuộc đua vào các trường công lập ở khu vực nội thành ở Hà Nội lại rất khốc liệt, có trường lấy tới 42 điểm, tính ra hơn 8 điểm/môn.
Nhiều người cứ nói không cần con học giỏi, nhưng họ lại không phân biệt được "học giỏi" và "cố gắng trong học tập" là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Học giỏi đúng là còn tùy thuộc vào khả năng của từng người. Con họ rất thông minh, nên có thể giành học bổng của những trường đại học nổi tiếng như Yale, Harvard. Còn con tôi không thông minh được như thế, nên đành chấp nhận học ở những trường kém hơn, tôi cũng không lấy gì làm buồn phiền cả.
Nhưng thứ tôi cần con tôi phải có gắng trong học tập. Người ta giỏi nên làm 15 phút là giải xong một bài Toán, còn con tôi học chậm hơn nên phải mất 30 phút mới giải xong bài Toán đó. Nghĩa là con tôi phải chăm chỉ học, và cố gắng hơn, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là như nhau, vậy là được. Tôi chỉ không muốn con mình cũng chỉ học 15 phút như người ta, giải chưa xong thì bỏ đi chơi hay làm việc khác. Cố gắng trong học tập sẽ rèn luyện được cho mỗi người tính kiên trì, nhẫn nại. Những đức tính này cũng rất cần trong cuộc sống.
>> Tôi học nghề vẫn thu nhập 30 triệu
Công thức để thành công, hoặc nói đơn giản hơn là kiếm được nhiều tiền, nuôi sống bản thân của mỗi người không hề giống nhau. Con anh học giỏi thì có thể làm bác sĩ, kỹ sư và học lên đại học, cao học. Con tôi học kém các môn văn hóa hơn, nhưng cháu rất thích nấu ăn thì có thể học nấu ăn và trở thành đầu bếp cũng không sao cả. Nghề nào cũng cao quý, đâu có nghề nào là thấp hèn. Nhưng ai cũng phải có một nghề để làm, và lấy đó làm vốn sinh nhai.
Chỉ có một điểm chung của tất cả là ai muốn nên người cũng đều phải học, không học văn hóa thì học nghề và xác định đã là học, dù là học cái gì, cũng sẽ rất vất vả. Học nghề, muốn thành thợ lành nghề, thợ bậc cao cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vất vả lắm chứ không đùa đâu.
Và không ai khác ngoài bố mẹ là người phải đốc thúc, quan tâm đến chuyện học hành của con nhiều nhất, đừng đổ hết trách nhiệm giáo dục lên vai thầy, cô giáo. Đừng vì không quản thúc được con, rồi buông xuôi. Sau này con cái không thành công, thất nghiệp, cha mẹ lại phải nuôi cả một đứa con lẫn bầy cháu khi đã bước vào tuổi trung niên, rồi lại trách sao mình số khổ?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.