"Em tôi học ở một trường đại học tầm trung tại Hà Nội. Môn nào em cũng cố ganh đua với bạn bè để điểm cao hơn, được học bổng. Bốn năm đại học, em chỉ tập trung học các môn trên lớp, không đi thực tập, báo cáo khóa luận cũng đi xin để về 'xào' lại. Tiếng Anh của em đến chứng chỉ TOEIC còn không có, chưa nói tới IELTS.
Tới khi đi xin việc chuyên môn Kế toán, em mới tá hỏa phát hiện mình chỉ biết mỗi ghi chép sổ sách trên giấy, còn luật không thuộc, phần mềm khai thuế, kế toán, hóa đơn chứng từ không thạo. Vậy ai dám nhận em vào làm việc? Bằng giỏi nhưng theo yêu cầu công việc hiện nay vẫn là quá thiếu.
Học mấy môn lý thuyết trên trường, nhiều khi em chỉ học vẹt, học tủ, hoặc được thầy cô ưu ái cho điểm cao. Thế nên, để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, em còn rất nhiều điều phải cố gắng. Bằng đỏ cũng chưa thể giúp các bạn sinh viên đòi hỏi hay bắt doanh nghiệp phải trải thảm đỏ ra săn đón. Doanh nghiệp tuyển người làm việc cho họ, chứ đâu tuyển người về trả lương và đào tạo thành tài.
Học mà không xin được việc, đầu tiên các bạn phải nghiêm túc nhìn nhận lại sự nỗ lực trong mấy năm học của mình. Tại sao nhiều bạn khác được doanh nghiệp mời gọi mà mình lại thất nghiệp? Nhiều bạn học nhưng kiến thức chuyên ngành không chắc, tiếng Anh, tin học, phần mềm chuyên ngành không thạo, vậy lấy gì để cạnh tranh cơ hội việc làm?". Đó là chia sẻ của độc giả Cuongtk xung quanh câu chuyện 'Tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng đi xin việc ở shop quần áo'.
Thực tế, những trường hợp như trên không ít. Theo Tổng Cục Thống kê, số lượng người lao động thất nghiệp quý II năm 2023 tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước. Trong đó, khu vực thành thị là 2,75%; khu vực nông thôn là 2,01%. Có nhiều số liệu khác nhau về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, cũng như thất nghiệp. Song, có thể nhận thấy, con số của các trường đều rất đẹp, trong khi, tình trạng thất nghiệp trên thị trường lao động chưa được cải thiện.
Nói về câu chuyện sinh viên thất nghiệp, bạn đọc Funny Game bình luận: "Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngoài xã hội cần người làm được việc. Trong khi các trường đại học chỉ có thể cố gắng cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức cơ bản. Phần còn lại, người học phải tự định hướng và tự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Nếu bạn chỉ thụ động ngồi đợi người ta dạy cho bạn làm việc thì sẽ mãi đi sau và bị đào thải sớm mà thôi.
Đó cũng không phải là phương pháp học đúng của một người ở trình độ cử nhân, kỹ sư. Đại học không hoàn hảo, nhưng tại sao vẫn có những sinh viên ra trường tìm được việc làm tốt? Đó là câu hỏi mà mọi sinh viên bước ra đời phải tự trả lời. Không phải cứ ôm tấm bằng đỏ rồi than rằng tại sao xã hội không trao cho mình một công việc tốt, lương cao?".
>> Tầm nhìn ngắn hạn của cử nhân chạy xe ôm công nghệ
Chỉ ra sai lầm của nhiều sinh viên khi ảo tưởng sức mạnh của bản thân với tấm bằng loại giỏi, độc giả Tam Duc nhấn mạnh: "Bằng tốt thực ra chỉ có giá trị ở ngay tại thời điểm ra trường thôi. Còn khi đi xin việc, nếu bạn cứ cậy ta đây có bằng đỏ để đòi hỏi phải xin được việc lương cao hay phải được ưu tiên, đại ngộ này kia thì chẳng nơi nào nhận. Hãy khiêm tốn ngay cả khi ta có tấm bằng loại giỏi và chứng minh bằng năng lực thực tế. Nếu bạn làm tốt thì chẳng nơi nào phụ bạc.
Còn những ai kênh kiệu vì có tấm bằng loại giỏi nhưng khi đi làm lại chẳng được tích sự gì, có khi sẽ bị đào thải ngay sau ba tháng thử việc. Mọi sinh viên muốn có việc làm tốt sau khi ra trường cần cố gắng đi làm thêm đúng chuyên ngành mình từ khi còn đi học để tích lũy kinh nghiệm. Với những bạn chỉ học lý thuyết trên trường thôi, còn thứ bảy, chủ nhật hay nghỉ hè mà không cố gắng đi làm thêm, thì khi ra trường có tốt nghiệp loại xuất sắc nhất cũng chẳng chỗ nào nhận".
Nói về giá trị của tấm bằng tốt nghiệp đại học, bạn đọc Chichikid nhận định:"Ở lĩnh vực khác tôi không dám bàn, nhưng trong mảng IT, tôi có thể nói thực tế công việc này có hàng trăm công nghệ, vài chục ngôn ngữ lập trình, hàng trăm framework khác nhau, và mỗi công ty lại chỉ sử dụng một số trong đó. Vì vậy, trường đại học không bao giờ có thể dạy được hết những thứ đó cho sinh viên.
Trường đại học là nơi cung cấp nền tảng kiến thức, quy trình và tư duy giải quyết vấn đề. Còn những ứng dụng cụ thể trong công việc thì mỗi sinh viên phải tự học dựa trên kiến thức nền tảng trên lớp. Ví dụ, các trường đại học chỉ dạy ngôn ngữ lập trình C, C++ làm nền tảng chung, nhưng bạn cần tự học Java, C#, PHP, Python và các framework đi cùng ngôn ngữ, tùy vào định hướng công việc tương lai.
Nếu chỉ chăm chăm học kiến thức được dạy trong trường, và phụ thuộc vào những gì mình có, bạn chỉ là học sinh cấp bốn chứ không phải sinh viên đại học. Với tư tưởng như vậy, dù điểm cao, bạn cũng không hề hiểu sâu, ngay cả với những kiến thức trong trường. Hiện nay, khá nhiều trường top dưới quá dễ dãi trong đào tạo. Do kiểu đào tạo đại học hình ống (vào bao nhiêu ra bấy nhiêu) như vậy, nên tấm bằng đại học đang bị mất giá rất nhiều".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.