Thời gian gần đây, nhiều người tranh luận về thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng ra trường không làm được việc, phải đi làm các công việc chân tay. Có ý kiến chê trách các sinh viên này thiếu chủ động trong việc học và tích lũy kinh nghiệm, thụ động trong định hướng công việc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề này cũng phải xem lại chất lượng đào tạo của trường đại học ở Việt Nam.
Một trường đại học mà chất lượng đào tạo ứng viên cho thị trường lao động không xứng đáng với xếp loại tấm bằng tốt nghiệp, thì sinh viên vào đó cần gì phải học và cũng không nên tốn thời gian, tiền bạc vào đó làm gì. Khi việc xếp loại học tập thế nào không liên quan đến chất lượng làm việc thì chẳng thà tốt nghiệp phổ thông xong, học thêm vài khóa tin văn phòng, ở nhà tự đọc sách, rồi đi làm luôn, chứ chẳng cần học đại học cho tốn kém, lãng phí.
Sinh viên cố gắng phấn đấu học tập, đạt bằng giỏi khi ra trường, tức là có trình độ chuyên môn tốt. Thế nhưng ngày nay, tấm bằng đó lại bị xem nhẹ trong tuyển dụng, giỏi hay khá không quan trọng, vậy người học phí thời gian vào đại học làm gì? Một môi trường tuyển dụng như thế, bằng cấp chỉ là cho có chứ không có tác dụng phân loại lao động, thì đại học cũng đâu còn nhiều giá trị.
Thử hỏi, các trường đại học ở Việt Nam đào tạo kiểu gì mà các sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng chê lên chê xuống như vậy? Chức năng trường đại học là đào tạo nghề chất lượng cao (cử nhân, kỹ sư...). Người ta bỏ một đống tiền đi học đại học là để có nghề, chứ không phải học những thứ "trời ơi đất hỡi" như kinh tế chính trị, triết học...
>> 'Tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng sao chẳng ai tuyển vào làm việc?'
Ở nước ngoài, trường đại học là một bảo chứng về chất lượng lao động sau khi tốt nghiệp với các công ty, doanh nghiệp. Sinh viên nước ngoài khi tốt nghiệp đại học luôn được các doanh nghiệp chào mời về làm việc. Trong khi đó, ở ta, nhiều người cầm bằng đại học loại giỏi trong tay mà không kiếm được việc làm.
Vì sao bằng đại học của Việt Nam không được công nhận ở nước ngoài? Vấn đề nằm ở chất lượng đào tạo trong nước. Đại học xét cho cùng cũng là để đào tạo nghề. Danh tiếng ngôi trường phải gắn liền với chất lượng sinh viên đầu ra (được thị trường lao động đón nhận). Nếu không, chúng ta cần gì đại học, cứ học các khóa nghiệp vụ cho nhanh, gọn, thiết thực.
Sinh viên bỏ tiền đi học đại học không phải để làm cái máy. Đại học nước ngoài đào tạo ra ứng viên tiềm năng cho thị trường lao động, vậy cớ sao ở ta, thành bại lại tại bản thân người học? Việc học đại học ở Việt Nam đang lãng phí, dù các chương trình, đề án nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc học này cứ liên tục được đưa ra và áp dụng. Cải thiện gì khi xã hội vẫn nhìn đại học bằng con mắt "có bằng cho vui chứ chẳng có giá trị gì trong công việc"?
Mất bốn năm đại học để lấy cái bằng chứng nhận đã hoàn thành, nhưng ra đời không có giá trị, không được coi trọng, vậy chẳng phải là lãng phí thanh xuân hay sao?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.