Vì sao "Học giỏi Toán nhưng lương 'ba cọc ba đồng'"? Vì sao nhiều người học nhiều vẫn thất bại, trong khi số khác ít học lại thành công? Phải chăng chúng ta không cần phải học nhiều, cứ việc bỏ ngang như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Zack Ma... rồi thành công sẽ tự đến? Đó là tư tưởng của nhiều người trong xã hội ngày nay. Vậy vì sao chúng ta lại có suy nghĩ đó? Nó đúng hay sai?
Trong thế chiến thứ II, một nhóm các kỹ sư được cử làm nhiệm vụ tối ưu cho các thiết kế của máy bay chiến đấu cho quân đội Mỹ. Họ muốn gia cố độ dày cho vỏ máy bay để tăng cường khả năng chống chịu đạn bắn tỉa từ hệ thống phòng không của đối phương. Tuy nhiên, họ không thể tăng cường độ dày toàn bộ vỏ máy bay vì nó sẽ nặng, máy bay sẽ kém cơ động, bay chậm, tốn nhiều nhiên liệu sẽ trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không đối thủ. Vậy nên họ chỉ chọn ra một vài vị trí quan trọng để gia cố trên thân máy bay.
Để làm điều đó họ đã thu thập dữ liệu để làm ra điều đó (tương tự cách mà ngày nay người ta hay làm là khai thác dữ liệu lớn). Họ đã tiến hành thu thập dữ liệu của các máy bay sống sót trở về từ chiến trường. Họ thấy các máy bay trở về đa phần có phần thân bị trúng nhiều vết đạn nhất. Và họ đã đi tới quyết định gia cố phần thân cho máy bay.
Tuy nhiên, có một nhà Toán học đã bác bỏ ý tưởng của họ. Ông cho rằng họ không nên gia cố phần thân mà phải gia cố những phần không trúng đạn, trúng ít đạn. Vì ông cho rằng những máy bay không trở về chắc chắn phần lớn là do trúng đạn ở những chỗ đó, và phần lớn máy bay trở về là do chưa bị trúng đạn ở phần đó, cụ thể là phần động cơ. Do đó, đã không có bất cứ dữ liệu nào được thu thập từ những chiếc máy bay bị rơi. Đây là lỗi tư duy "thiên kiến kẻ tồn tại" hay còn gọi là "thiên kiến kẻ sống sót cuối cùng" của nhóm kỹ sư gia cố.
Quay trở lại với câu chuyện vì sao nhiều người học giỏi vẫn nghèo, trong khi số khác học không giỏi vẫn giàu? Chúng ta thường thấy các cá nhân ít học nhưng vẫn giàu có, các tỷ phú bỏ học... thường xuyên được tung hô, vinh danh nhờ kỳ tích đăc biệt của họ, để rồi chúng ta vô tình quay sang chỉ trích những người học giỏi, học vị cao nhưng vẫn nghèo. "Thiến kiến kẻ sống sót cuối" cùng đã khiến chúng ta bỏ qua phấn lớn những người học dở, ít học và cuối cùng không có bất kỳ cơ hội đổi đời nào, thậm chí bị lãng quên.
Nói cách khác chúng ta đã không thu thập dữ liệu từ những người thất bại vì học kém, mà lại liên tục thu thập dữ liệu từ số ít cá nhân thành công để củng cố quan điểm của mình. Ngược lại, người học giỏi nhưng nghèo lại liên tục thu thập dữ liệu của số ít những người học giỏi mà vẫn thất bại, để quy chụp cho toàn bộ số phận của những người học giỏi là như nhau.
Nổi tiếng nhất trong số những người bỏ đại học vẫn thành công có thể kể đến như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Zack Ma... Chúng ta thường lấy họ làm những ví dụ điển hình, để tán thưởng, làm gương, mà quên đi vẫn còn đó hàng tỷ người ngoài kia cũng bỏ học nhưng đã, đang và sẽ thất bại. Hay như có người lấy ví dụ về bản thân học giỏi Toán, học sinh giỏi cấp quốc gia, nhưng vẫn nghèo. Họ quên mất rằng, vẫn có hàng trăm ngàn người học giỏi khác đã đạt được những thành công rất lớn ngoài kia.
Chúng ta có lẽ không xa lạ với những câu chuyện người trẻ thành công dù ít học, kiếm cả tỷ đồng mỗi tháng, làm tới chức Giám đốc này kia... bằng các chiêu bài mượn tiền để sống ảo, để kinh doanh đa cấp, lừa đảo lòng tin của người khác; hay vụ các vụ các "Idol mạng" bán thực phẩm chức năng, hàng giả, sản phẩm ảo...
Nhiều người chỉ nhìn vào trường hợp Bill Gate hay Mark Elliot Zuckerberg bỏ học đại học mà không biết rằng họ cũng từng là những học sinh, sinh viên xuất chúng, có nền tảng rất tốt. Họ bỏ học đơn giản vì môi trường Đại học không đủ tầm, làm thỏa mãn họ. Bạn nghĩ Bill Gates có xuất thân gia đình, nền tảng thế nào để ông ấy dù chưa ra trường vẫn có thể tự mở công ty không? Bill Gates hay Mark Zuckerberg cũng chỉ là những bông hoa nở trên những cây đã được chăm sóc kỹ càng, kế thừa nhiều đặc tính tốt, nền tảng tốt qua nhiều thế hệ.
Trong gia đình bên nhà ngoại của tôi, có hai trường hợp chỉ học hết lớp 5, một người đang làm Chủ tịch một sàn giao dịch bất động sản, người kia làm chủ một doanh nghiệp thủy hải sản. Không ít người ngoài nhìn vào sẽ nói rằng họ hơn khối kẻ học hành cao siêu khác. Nhưng với tư cách là anh em của họ, tôi biết điều gì đang diễn ra phía sau đó. Người làm Chủ tịch sàn giao dịch bất động sản, tuy ít học nhưng lại được "hậu thuẫn" bởi những người rất có học khác. Toàn bộ các quyết định quan trọng của anh ta đều được góp ý, tư vấn bởi hệ thống cố vấn có học kia.
Trong khi đó, chị tôi vào thương trường từ sớm, được tiếp xúc với hệ thống nhà hàng, khách sạn nên xây dựng được hệ thống cung cấp thủy hải sản rộng lớn. Ấy thế mà tôi vẫn phải còng lưng "gánh" chị hai lần. Một lần là em trai của chị ăn chơi, nghiện ngập, nợ nần, xã hội đen cướp hết toàn bộ hàng hóa của chị để gạt nợ. Thấy chị suy sụp và không có lối thoát, tôi phải đưa ra các giải pháp phòng chống trộm, bao gồm lắp camera, hệ thống báo động... Lần khác, kho của chị bị cháy, nếu tôi không tư vấn việc lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, chưa chắc chị đã dám tiếp tục công việc này.
Tuy những giải pháp tôi đưa ra khá đơn giản, nhưng với những người ít được học như chị tôi, chuyện đó lại không dễ để nghĩ ra chút nào. Đây gọi là cộng sinh học vấn. Do đó, nếu bạn muốn giải quyết vấn đề của kẻ thất bại, hãy tập trung vào từng nguyên nhân thất bại, chứ không phải chạy theo những người thành công một cách mù quáng và nghĩ rằng đó mới là chân lý.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.