Đọc bài viết 'Học giỏi thế mà sao vẫn nghèo?' của tác giả Son Tran Dinh, tôi cho rằng chúng ta nên tư duy lại về sự học cho đúng bản chất:
Đầu tiên, phải hiểu mục đích của việc học không phải là chỉ để kiếm tiền mà còn là làm giàu thêm tri thức, cống hiến cho cuộc đời, hướng tới cuộc sống hạnh phúc. Thật buồn khi bất cứ hoạt động nào cũng đều quy ra tiền để tính toán giá trị. Tôi tự hỏi các bạn có cần ngủ không khi nó không giúp làm ra tiền, hay sao phải xem TV vì nó chỉ tổ phí thời gian dùng để kiếm tiền?
Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người còn có nhu cầu về hạnh phúc, tinh thần, cần được kết bạn, lập gia đình... Nên chúng ta cần phải tư duy theo một cách khác, thay vì chỉ giới hạn bởi chữ "tiền".
Nhưng vậy tại sao mọi người (nhất là các thế hệ trước) thường tư duy theo khía cạnh giá trị đồng tiền? Vì tiền là một vật đễ định tính, họ có thể dễ dàng đo lường trong nháy mắt. Nó không giống như hạnh phúc - thứ khó mà định hình được bằng ứng dụng trên điện thoại. Đúng là tiền quan trọng, nhưng nên nhớ đó không phải là tất cả.
Thứ hai, học giỏi là gì? Học giỏi là những người có thể tiếp thu kiến thức tốt, hiểu bài nhanh. Nhưng khi kiếm tiền thì học giỏi lại chưa đủ, mà cần thực hành giỏi nữa. Chúng ta phải biết áp dụng lý thuyết từ những sách vở vào những hoạt động thực tế. Đi sâu hơn nữa, muốn áp dụng kiến thức vào thực tế, chúng ta cần phải học "đúng" kiến thức.
>> Giá trị của người học cao nhưng không giỏi kiếm tiền
Khi muốn học đúng kiến thức ta phải chuẩn bị sẵn cho mình một tư duy về thực học (học để hiểu, rồi hành, chứ không quan trọng điểm số). Do vậy, muốn thành công trong cuộc sống, chúng ta phải rèn tư duy để thoát khỏi cái bảng điểm, mà tiến xa hơn đến cái giá trị mà mình tạo ra đã.
Thứ ba, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, nhiều người Việt không hề giỏi học. Tạm bỏ qua vấn đề điểm số mà hãy nhìn vào thực tế xã hội, chất lượng Tiến sĩ của nước ta còn thấp hơn những đất nước khác, dù Nhà nước liên tục đề ra các biện pháp cải tiến chất lượng. Các vấn nạn như mua bằng, làm hộ báo khoa học, sao chép nghiên cứu, vấn đề sâu trong hệ thống giáo dục như phản biện kín (nhưng hở)... vẫn tồn tại rất nhiều.
Tiến sĩ ở Việt Nam ít người được nổi tiếng trên toàn cầu, hay có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong chuyên môn của họ. Tôi tự hỏi có bao nhiêu sinh viên hứng thú tham dự những hội thảo về kinh tế của đất nước? Có bao nhiêu Thạc sĩ, Giáo sư hứng thú bay qua các nước phát triển để tham gia các hội thảo như ASQ? Đó sẽ là câu trả lời cho việc chúng ta ham học hỏi, giỏi học đến đâu?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.