Gần 20 năm trước tôi là một học sinh lớp 9 trường huyện. Khi đó, tôi cũng là một học sinh khá giỏi. Các bạn học giỏi của trường tôi hầu như đều tranh nhau thi vào trường chuyên của tỉnh vì nghe nói chỉ cần học ở đó là sẽ giỏi hơn, thi đỗ đại học dễ dàng hơn. Riêng tôi vẫn chọn học cấp ba ở ngôi trường huyện gần nhà.
Kết quả, sau năm lớp 12, tôi thi đỗ một trường Đại học công lập lớn và uy tín của Sài Gòn với ngành học như mình mong muốn (ngành Y của Đại học quốc gia). Còn mấy bạn học cũ thời cấp hai vào học trường chuyên cấp ban đều thi rớt đại học, phải nộp nguyện vọng hai vào các trường dân lập ở Sài Gòn.
Có lần họp lớp, tôi nghe mấy bạn đó kể rằng vì xuống học trường chuyên của tỉnh nên rất nhiều học sinh giỏi, áp lực cạnh tranh về thành tích, thi đua rất lớn, nếu lỡ lạc nhịp không theo kịp mấy bạn đó là kiến thức trôi đi luôn và năm sau bị sẽ bị chuyển ra lớp thường. Học hành áp lực như vậy nên nhiều bạn cứ thế đuối dần.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy học ở đâu cũng là học kiến thức trong sách giáo khoa cả thôi, chỉ cần ôn luyện kiến thức bài học và bài tập trong sách thật vững vàng thì dù học trường huyện cũng vẫn có thể nhẹ nhàng bước chân vào ngôi trường đại học. Phụ huynh đừng nên tạo quá nhiều áp lực cho con cái, đừng nghĩ rằng chỉ có học trường điểm, trường chuyên thì mới có thể chạm tay được vào cổng trường đại học top đầu.
>> 'Trường chuyên tạo môi trường cạnh tranh công bằng'
Nói thêm về quá trình học tập, thi cử của mình, tôi thấy không có gì quá áp lực, hay hoảng loạn cả. Chỉ những bạn không có kiến thức thật chất, dựa vào thế lực này kia mà có bảng thành tích học bạ đẹp, bị hổng kiến thức căn bản từ nhiều năm, nên đến mùa thi mới chẳng biết phải bắt đầu từ đâu (nhất là các môn tự nhiên), những người này mới thật sự phải lo lắng. Còn những bạn đã học vững bằng năng lực của mình, kiến thức thật sự đã được tích lũy trong suốt quá trình học tập thì chỉ là cảm giác hồi hợp chút đỉnh chứ không có gì gọi là áp lực thi cử cả.
Cuộc sống luôn công bằng, ai không có kiến thức căn bản thì thi rớt là điều đương nhiên. Cho nên, những bậc phụ huynh nào thấy con mình rớt mà điểm học bạ thời học sinh lại cao thì nên xem lại bản chất trình độ con mình. Không có chuyện học tài thi phận, kiến thức một đằng thi một nẻo gì cả đâu. Chỉ những người hổng kiến thức, mất căn bản, lười học thì đến mùa thi mới cuống cuồng lên rồi bảo áp lực này kia.
Ngày xưa, cứ đến mùa thi là thời gian tôi yêu thích nhất. Tôi chỉ ăn, ngủ, nghe nhạc và chơi thể thao cả hai tháng trời, nhưng thi Đại học vẫn thừa điểm vào trường top của thành phố. Đó là nhờ thành quả của quá trình khổ luyện kiến thức trước đó trong suốt một thời gian dài, chứ không phải đến mùa thi mới "vắt chân lên cổ" để học ôn. Quy luật cuộc sống cũng như vậy, không có cái gọi là may mắn nào từ trên trời rơi xuống. Chỉ những kẻ lười nhác, ngại khó, không có ý chí cầu tiến, mới tự tạo áp lực cho mình khi đối mặt với sự việc lớn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.