Tác giả Hong Linh An Long đặt ra câu hỏi trong bài viết "Tận dụng khoảng trống để làm giàu" rằng: tại sao một người không có bằng cấp, trình độ học vấn... vẫn có thể thành công, trở nên giàu có hơn những cá nhân được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghiệp vụ ở mức đáng nể?
Tôi cho rằng, nói ngắn gọn thì để làm giàu, quan trọng nhất là bạn phải tìm ra đúng nhu cầu thực tế của xã hội và tìm cách đáp ứng nhu cầu đó. Tức là bạn phải kinh doanh, bán được sản phẩm (hoặc năng lực) của mình cho xã hội. Và tốt nhất là với vai trò chủ kinh doanh.
Thực tế, có rất nhiều người không được đào tạo bài bản nhưng vẫn kinh doanh thành công, chỉ nhờ họ có quyết tâm học hỏi từ thực tế và dám làm. Tất nhiên, để thành công, một yếu tố không nhỏ là phải dựa vào thời thế và may mắn. Nhưng ngày nay, có quá nhiều người được trang bị lý thuyết bài bản, bằng cấp đầy mình, nhưng lại không thể làm giàu. Lý do là gì? Vì họ không hiểu rằng học giỏi không quan trọng bằng việc biết cách vận dụng hiệu quả tri thứ đa dạng của nhận loại vào thực tế công việc và cuộc sống.
Tôi rất tâm đắc với câu chuyện của cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Chuyện kể rằng, có một người Singapore nọ, từng học rất giỏi, nhưng cuộc đời lại không có thành tựu nào đáng kể. Khi gặp ông Lý Quang Diệu, người này mới than thở: "Tôi là người có trí, nhưng vì không có tiền nên mới không làm được việc lớn".
Nghe vậy, ông Lý trả lời ngay rằng: "Cả đời gặp hàng ngàn người, tôi chưa thấy ai có trí mà lại không có tiền cả. Nếu anh không làm ra tiền thì cái trí của anh chỉ là trí nhớ, chỉ là kiến thức, thông tin. Bề dày thành tích, tốt nghiệp trường xịn, học hàm, học vị là cái vớ vẩn. Một là chơi luôn kỳ tích (tức thành tích vượt bậc), hai là thành tựu cụ thể, mới có chỗ đứng trong xã hội".
>> Vỡ mộng bỏ học IT để khởi nghiệp làm giàu
Quay trở lại với câu chuyện thành công của ông chú chủ xóm trọ mà nhiều người tranh luận thời gian qua, tôi tin rằng đó không phải là may mắn hay kết quả đến một cách ngẫu nhiên, mà nhờ vào ba yếu tố:
1. Ông là người biết tính toán, nhìn xa trông rộng;
2. Ông là người dám kiên định làm điều mà mình cho là đúng;
3. Ông gặp may mắn, gặp thời.
Cả ba yếu tố trên cùng song hành đã mang tới thành công cho ông chú, vượt xa cậu thanh niên cử nhân đại học, nhiều bằng cấp trong tay. Đó mới là những thứ mà chúng ta nên công nhận và đáng để mỗi người học tập.
Nếu bạn đang có nhiều thời gian rảnh rỗi, thay vì suy nghĩ linh tinh, than thở vì sao mình học giỏi mà vẫn nghèo, dẫn đến mất tự tin vào bản thân và cuộc sống, hãy thu xếp đi học thêm nhiều nhất có thể. Điều đó vừa giúp bạn bớt suy nghĩ linh tinh, vừa là cách để nâng cao trình độ bản thân. Những kiến thức và kỹ năng mềm mà bạn học hỏi được sẽ không bao giờ là thừa thãi cả. Đến một lúc nào đó, nó sẽ giúp bạn đạt được những thành công mà trước giờ vẫn hằng mơ ước.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.