Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Những ngày chạy xe ôm công nghệ 12 tiếng kiếm 100.000 đồng". Phía sau công việc chạy xe ôm công nghệ còn rất nhiều thứ phải suy nghĩ, cân nhắc, chứ không thể chỉ nhìn ở mức thu nhập cao từ đầu.
Bản thân tôi cũng là một người từng chạy xe ôm công nghệ nên hiểu rất rõ tính chất công việc này. Ngày trước, khi mới ra trường, tôi sống ở Hà Nội, đi làm văn phòng với mức lương vỏn vẹn 7-8 triệu đồng. Khi đó, mỗi tháng, tiền thuê nhà đã ngốn hết của tôi 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt cơ bản khác, khoản tiền còn lại gần như không đủ để một sinh viên mới ra trường như tôi tạo lập được các mối quan hệ và học tập bổ sung thêm các kiến thức chuyên môn hay kỹ năng mềm.
Khi đủ tiền trang trải, đã có những lúc, sau giờ làm, tôi chạy xe ôm công nghệ một chút buổi tối để kiếm thêm 100-200 nghìn đồng. Tất nhiên, kiếm tiền bằng nghề chạy xe ôm nhanh hơn nhiều so với đi làm hằng ngày, nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ bỏ công việc văn phòng để đi chạy xe ôm.
Với tôi, chuyên môn là công việc cần đến chất xám - thứ mà tôi đã dành 12 năm phổ thông và bốn năm đại học để tích lũy. Ngoài ra, nó còn mang đến cho tôi cơ hội thăng tiến trong tương lai (nếu thực sự cố gắng), và đêm lại cho bản thân tôi kinh nghiệm làm việc để tăng dần năng suất lao động theo thời gian. Đó sẽ là bàn đạp để tôi bứt phá trong sự nghiệp của mình sau này.
Trong khi đó, chạy xe ôm công nghệ, nếu làm full-time, tôi có thể kiếm được khoản thu nhập cao hơn cả tiền lương văn phòng lúc bấy giờ của mình. Nhưng đó là câu chuyện tại thời điểm đó, vì làm nghề này, có cố gắng cỡ nào thì thu nhập cũng mãi chỉ đến thế. Ngoài ra, tôi hoàn toàn không có khả năng phát triển nghề nghiệp. Thu nhập của tôi cũng không ổn định, nó phụ thuộc vào lượng khách hàng và chính các doanh nghiệp. Tôi sẽ không có quyền đòi hỏi được tăng lương, tăng thưởng dù vì bất cứ lý do gì.
>> 'Cử nhân chạy xe ôm còn hơn an phận văn phòng lương 7 triệu đồng'
Còn nếu làm văn phòng, dù ít hay nhiều tôi cũng có thể phát triển bản thân. Nếu làm tốt, tôi hoàn toàn có thể đề đạt nguyện vọng được tăng lương với quản lý. Nếu mức lương hiện tại quá thấp, không tương xứng với năng lực cũng như những gì tôi làm được, tôi hoàn toàn có thể ứng tuyển sang một doanh nghiệp khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào sự cố gắng cũng như năng lực của mỗi người.
Tôi tin rằng, làm văn phòng hay các công việc chuyên môn, ít ra bạn cũng đang dùng chất xám của mình để kiếm tiền. Lương làm văn phòng có thể thấp hơn chạy xe ôm công nghệ, nhưng nếu biết tập trung phấn đấu dần dần, con số thu nhập của bạn sẽ từng bước tăng lên. Đừng so sánh lương mới ra trường với thu nhập từ việc chạy xe ôm công nghệ vì đâu có ai làm văn phòng lương 7-8 triệu đồng mãi đâu, từ khi bạn là người sống an phận, không có chí tiến thủ, thích an nhàn và tự hài lòng với bản thân.
Tôi sẽ không có vấn đề gì nếu một người ban ngày làm văn phòng, tối về lại chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, miễn là bạn đủ sức để làm cả hai một lúc. Nhưng nếu một người được đào tạo bài bản, lại coi chạy xe ôm là nghề nghiệp lâu dài thì tôi không thể chấp nhận được. Đó là tư duy của những người thiếu ý chí phấn đấu.
Ở đây, tôi không hề nói nghề nào mới là cao quý, nghề nào là thấp hèn. Mọi nghề nghiệp chân chính đều đáng được trân trọng. Tuy nhiên, chọn nghề nào sẽ quyết định thái độ, và tầm tri thức của bạn. Nếu bạn trẻ có bằng cấp coi chạy xe ôm công nghệ là nghề nghiệp lâu dài, hãy nhớ một điều rằng mọi nỗ lực, phấn đấu của bạn sẽ không đem lại giá trị gì cho sự nghiệp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.